Khách đi máy bay ít hơn dịp lễ năm ngoái
Báo cáo Bộ Giao thông vận tải về công tác phục vụ nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng không dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam ước đạt 7.700 lần hạ cất cánh, giảm 12% so với cùng kỳ lễ 30/4-1/5 năm 2021.
Tổng lượng khách đạt xấp xỉ 1,105 triệu người, giảm 3,3%; vận chuyển hàng hóa đạt 15,9 nghìn tấn, tăng 7,5% so với kỳ nghỉ lễ nay năm trước.
Cụ thể, theo Cục Hàng không Việt Nam, với 3 cảng hàng không quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng, số hành khách lần lượt là 375.000 lượt (tăng 3% so với cùng kỳ), 240.000 lượt (giảm 4%) và 94.800 lượt (giảm 8%).
Tổng cộng, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 486,6 nghìn khách, giảm 13% và 1.858 tấn hàng hóa, giảm 27% so với cùng thời điểm lễ 30/4 và 01/5 năm 2021.
Riêng giai đoạn từ 30/4-3/5, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 3.600 chuyến bay, giảm 13,5% so với cùng kỳ 2021, trong đó có 3.300 chuyến cất cánh đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ (OTP) là 88,8%, giảm 0,7 điểm so với tháng cùng kỳ 2021. Tổng số chuyến bay bị hủy là 25 chuyến.
Ghi nhận của Cục Hàng không Việt Nam, dịp nghỉ lễ vừa qua đã không xảy ra tình trạng ùn tắc tại các sân bay, hạn chế tối đa tình trạng bay chờ vì lý do thời tiết, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ ở mức khá cao.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành đã bố trí toàn bộ nguồn lực phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ. Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot đã được cấp, giảm thiểu tỷ lệ các chuyến bay chậm, hủy; đồng thời giám sát tình hình thực hiện slot, yêu cầu các hãng luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.
3 địa phương đứng đầu đón khách
Theo Bộ VH-TT&DL, khách du lịch dip nghỉ lễ 30/4-1/5 bùng nổ trên cả nước, đặc biệt riêng top 3 địa phương đón được hơn 2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước.
Trong đó, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước với tổng cộng 898.000 lượt khách. Riêng khách lưu trú là 577.400 lượt, tăng 85,6% so với năm 2021. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.960 tỷ đồng, tăng 123,2% so với năm 2021. Đây là địa phương thu hút đông đảo du khách nhất cả nước dịp lễ vừa qua.
Tiếp sau đó là Nghệ An. Thống kê của Sở Du lịch tỉnh cho thấy, Nghệ An ước đón 712.000 lượt khách, doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 855 tỷ đồng. Các khách sạn từ 3-5 sao ở thị xã Cửa Lò và một số điểm du lịch ở Diễn Châu, Con Cuông đạt công suất 90-100%; nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh như hoạt động vượt công suất.
Hà Nội giữ vị trí thứ ba trong top đầu, với khoảng hơn 550.000 lượt khách, tăng gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có khoảng 2.000 khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước trên 1.500 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 vừa qua, lượng khách tham quan tại các khu điểm du lịch, khu vui chơi giải trí đạt 420.000 lượt
Bên cạnh đó, khách quốc tế đến TP.HCM đạt khoảng 13.200 lượt, khách nội địa khoảng 186.800 lượt, khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt 95.000 lượt. Công suất phòng ước từ 65-70%. Tổng kết, doanh thu ngành du lịch TP đạt 1.610 tỷ đồng trong đợt nghỉ lễ.
Tại Saigontourist, riêng sáng 30/4 đã có 25.000 khách khởi hành với các hành trình du lịch trong và ngoài nước, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượng khách DN phục vụ trong 4 ngày lễ là gần 32.000 người.
Đại diện đơn vị này đánh giá, tình hình kinh doanh khả quan trong dịp lễ 30/4 cho thấy tâm lý đi du lịch của nhóm khách gia đình từ 10-20 khách và các DN từ 200-1.000 khách đã trở về trạng thái bình thường như trước dịch.
Lễ 30/4 là thời điểm trước thềm mùa hè, xuất hiện nắng nóng nên các tuyến điểm du lịch biển, đảo rất hút khách. Các đơn vị lữ hành cho biết, xếp đầu bảng trong chùm tour du lịch trong nước là Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang - Ninh Chữ, Đà Nẵng.
Ở tuyến miền Trung, nổi lên là tâm điểm Đà Nẵng. Các hành trình kết hợp về nguồn tại điểm đến Nha Trang - khu di tích Gạc Ma; Nghệ An - theo dấu chân Bác; Quảng Bình - Hành trình Trường Sơn liên tục thu hút khách.
Dịp này, các điểm đến Buôn Ma Thuột - Pleiku - Kontum; Bảo Lộc - Tà Đùng (Đăk Nông) có tỷ lệ khách mua tour nhích lên đáng kể so với cùng kỳ 2021.
Một số địa phương khác cũng ghi nhận số khách du lịch tăng vọt, như Kiên Giang ước đạt 297.000 lượt khách, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021 (với trên 5.000 lượt khách quốc tế, tăng 66,4% so với cùng kỳ); Đà Nẵng trong 4 ngày nghỉ lễ đón hơn 254.000 lượt khách, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021; Quảng Nam ước đạt 200.000 lượt, tăng hơn 155%; Quảng Ninh với khoảng 340.000 khách; An Giang 300.000 lượt khách, tăng 51%...
Tuy nhiên, một số tỉnh lượng khách du lịch lại giảm, điển hình như Lâm Đồng chỉ đón được khoảng 132.000 lượt khách, giảm xa so với kỳ vọng. Trong 2 ngày (30/4-1/5), Bà Rịa chỉ đón tổng cộng 192.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 149 tỷ đồng bởi thời tiết xấu. Thừa Thiên - Huế dịp lễ này cũng chỉ đón được 45.000 lượt khách do mưa lớn. Khách đến Quảng Bình chỉ đạt khoảng 115.000 lượt, đạt 76,7% so với dự ước kế hoạch.
Ngọc Hà - Trần Chung