Nikkei đã “mổ xẻ” ba mẫu iPhone 14 vừa lên kệ của Apple và phát hiện chi phí sản xuất của chúng cao kỷ lục. Do không tăng giá tại Mỹ và một số thị trường, chi phí sản xuất cao hơn đồng nghĩa biên lợi nhuận có thể giảm.
Theo Minatake Kashio đến từ hãng nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions, Apple rõ ràng không còn lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi chiến lược gắn bó với thiết bị hiệu suất cao nhằm tạo sự khác biệt với đối thủ. Fomalhaut đã hỗ trợ Nikkei kiểm tra 3 mẫu iPhone 14, 14 Pro và 14 Pro Max.
Fomalhaut ước tính linh kiện iPhone 14 Pro Max là 501 USD, tăng hơn 60 USD so với iPhone 13 Pro Max. Dù chi phí linh kiện trên mẫu iPhone cao cấp nhất thường nằm trong khoảng 400 USD và 450 USD từ năm 2018, mức tăng hơn 60 USD là lớn nhất.
Tại Mỹ, iPhone 14 Pro Max dung lượng nhỏ nhất vẫn giữ giá 1.099 USD như XS Max năm 2018. Dường như công ty quyết định sẽ gánh phần chi phí gia tăng này thay vì chuyển sang khách hàng.
Chi phí sản xuất cao chủ yếu do chip A16 Bionic trong iPhone 14 Pro và 14 Pro Max. Con chip này có giá 110 USD, cao gấp 2,4 lần so với A15 năm ngoái. TSMC và Samsung Electronics là hai nhà thầu duy nhất trên thế giới có thể sản xuất chip 4nm số lượng lớn.
iPhone 14 còn trang bị linh kiện camera mới, bao gồm cảm biến ảnh CMOS của Samsung. Cảm biến lớn hơn 30% so với loại dùng trong iPhone 13 và đắt hơn khoảng 50%, ở mức 15 USD. Chúng giúp iPhone chụp được các tấm ảnh sáng, rực rỡ trong nhiều điều kiện ánh sáng.
Màn hình phát quang điện trên iPhone 14 do Samsung cung ứng. Trong khi đó, chip liên lạc hầu như của Qualcomm. Apple cũng sử dụng một số loại chip “của nhà trồng được”, chẳng hạn chip quản lý điện năng.
Theo Nikkei, linh kiện iPhone 14 phần lớn đến từ nhà cung ứng Mỹ, chiếm tỉ lệ 32,4%, tăng thêm 10% so với năm 2021. Hàn Quốc giảm 5% xuống 24,8%. Trung Quốc vẫn sản xuất phần lớn iPhone, song “táo khuyết” cũng dịch chuyển sang các khu vực khác như Ấn Độ, Đông Nam Á.
Apple giới thiệu tính năng liên lạc khẩn cấp qua vệ tinh trong iPhone 14, song Fomalhaut không tìm thấy linh kiện nào gắn với tính năng này, có lẽ do tần số liên lạc qua vệ tinh liên quan đến phần mềm.
Du Lam (Theo Nikkei)