Mới đây Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 68 về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông, hiện đang áp dụng với học sinh lớp 10.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia công văn hướng dẫn này còn khá chung chung, chưa thể giải quyết dứt điểm nguyện vọng chính đáng cho học sinh.
Theo thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn Sinh học: "Việc điều chỉnh, xây dựng các chính sách giáo dục phải quan tâm và đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu.
Thế nhưng, thực tế là việc Bộ ban hành công văn hướng dẫn đổi tổ hợp môn của học sinh lớp 10 năm nay lại càng khiến chính học sinh gặp nhiều khó khăn".
Thầy Hiền phân tích, có 2 điều nổi bật trong công văn hướng dẫn chuyển đổi tổ hợp mô tự chọn của Bộ GD-ĐT hiện nay không hợp lý.
Theo Bộ quy định, học sinh muốn chuyển đổi tổ hợp phải đợi kết thúc năm học. Đồng thời phải hoàn thành các môn thuộc tổ hợp mới (tự học hoặc nhà trường tổ chức), sau đó nhà trường sẽ kiểm tra đánh giá các môn học này.
Thứ nhất, nếu quy định ‘cứng’ học sinh chỉ được chuyển đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập vào cuối năm học thì sẽ vô tình gây khó cho học sinh, nhà trường.
Lý do là khi kết thúc năm học, để chuyển đổi một môn học lựa chọn hoặc nhóm môn học lựa chọn thì khối lượng kiến thức học sinh phải bổ sung sẽ là quá lớn, với nhiều cột điểm học sinh phải hoàn thành.
Ngoài ra, khi mặc định thời gian chuyển vào cuối năm học, các em sẽ phải kéo dài khoảng thời gian học môn mà mình không yêu thích hoặc không theo kịp sẽ có tâm lý chán nản, học tập kiểu đối phó từ đó dẫn đến việc học kém hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
Hơn nữa, nếu học sinh chỉ được chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề học tập vào cuối năm thì bản thân các cơ sở giáo dục cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng giải pháp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng...
Vì chỉ có khoảng 2 tháng hè mà phải bổ sung hết kiến thức của cả năm học thì áp lực của cả giáo viên và học sinh đều không nhỏ.
Thứ hai, Bộ GD-ĐT yêu cầu học sinh phải đáp ứng việc hoàn thành các môn thuộc tổ hợp mới mà chưa được học, sau đó nhà trường sẽ kiểm tra đánh giá các môn học này là rất vô lý, nhất là các môn học như Lý, Hóa, Sinh bởi chắc chắn các em sẽ gặp vất vả khi bổ sung kiến thức trong quá trình học chuyển đổi.
"Một vấn đề bất cập nữa là công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT chưa có nội dung hướng dẫn chuyển đổi tổ hợp khi chuyển nơi cư trú. Trong khi đó đây lại là nhu cầu thực tế và chính đáng của học sinh.
Hiện nay một số địa phương như Hà Nội, TP HCM…đang yêu cầu khá cứng nhắc khi học sinh khi chuyển trường mới cần phải trùng 100% tổ hợp môn với trường cũ.
Ai cũng thấy rõ ràng điều này là bất khả thi, vì ngay trong một địa phương các trường đã có tổ hợp môn rất khác nhau, không trường nào giống trường nào.
Như vậy, rõ ràng quy định này càng gây thêm khó khăn cho học sinh và tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng có hành động hướng dẫn cụ thể để gỡ khó cho các em.
Bên cạnh đó, khi nói trao quyền chủ động cho các trường về thời gian chuyển đổi cho học sinh cần nói rõ là 'quyền' này tới đâu. Như vậy, nhà trường sẽ có căn cứ cụ thể để thực hiện.
Cùng với đó, các Sở GD-ĐT cần tạo điều kiện tối đa cho học sinh chuyển trường. Chuyển nơi cư trú để sống và học tập là nhu cầu chính đáng của mỗi con người và được pháp luật bảo vệ", thầy Đinh Đức Hiền phân tích.
Thầy Hiền cũng mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn về kỳ thi vào lớp 10 cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này sẽ giúp các địa phương, giáo viên sớm có định hướng giảng dạy.