Tại hội nghị kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn ra chiều 30/8, PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TT&TT Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng) cho biết, cả nước hiện nay chỉ có 5.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, trong đó Đà Nẵng có hơn 500 kỹ sư. Trong khi đó, chuỗi giá trị của lĩnh vực này dự báo đến 2030 khoảng 1.000 tỷ USD.
Theo ông, nhân lực chất lượng cao là một thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, ông cho rằng, con số mục tiêu cả nước đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2030 là rất khả thi.
Ông Pháp lấy dẫn chứng, năm ngoái cả nước chỉ có khoảng 300 chỉ tiêu về vi mạch bán dẫn nhưng năm nay đã có 25 cơ sở đào tạo đại học công bố tuyển sinh ngành vi mạch, tổng chỉ tiêu hơn 3.000, tăng gấp 10 lần. Đây là một con số ấn tượng.
Đặc biệt chất lượng đầu vào ngành vi mạch và các ngành gần khá tốt khi điểm tuyển sinh rất cao. Ở miền Trung có 3 trường tuyển sinh vi mạch bán dẫn, trong đó điểm chuẩn 24-27 điểm, nhiều ngành gần có điểm tương đương.
“Tôi tin rằng, với các chính sách của Đà Nẵng, khi Nghị quyết 136 được đưa vào áp dụng thì con số chỉ tiêu ngành vi mạch bán dẫn không dừng lại ở đó. Với cách làm như hiện nay chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng có thể có 5.000-6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch”, ông Pháp nói.
Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, vấn đề đặt ra là những sinh viên giỏi đạt các giải cao ở những cuộc thi lớn được học bổng thường tìm đến những nước phát triển để lĩnh hội tri thức rồi quen với môi trường ở đó và rất khó trở về.
Vì vậy Đà Nẵng cần có chính sách giữ chân “người tài”, tăng cường hợp tác nhà trường với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào công tác đào tạo, đừng chờ đến khi sinh viên ra trường mới tìm kiếm tuyển dụng. Doanh nghiệp có thể đến các trường đại học để dạy ngoại ngữ, dạy văn hóa doanh nghiệp, công nghệ cho sinh viên thực hành. Thành phố cũng cần có các chính sách để hỗ trợ các trường đưa giảng viên nước ngoài về đào tạo cho sinh viên.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Việt, Giám đốc Bộ phận phát triển Infineon Technologies Việt Nam cho rằng, các công ty Châu Âu, Đức… rất coi trọng sự cân bằng của đội ngũ, họ sẽ không yên tâm khi chỉ có toàn đội ngũ trẻ.
Vì thế, phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, theo ông, ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo tại trường đại học, cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những người có kinh nghiệm, những chuyên gia trong và ngoài nước về Đà Nẵng xây dựng đội ngũ nòng cốt ban đầu để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cho biết, theo thống kê, Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với khoảng 550 kỹ sư, chiếm 10% nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam.
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều bước đi quan trọng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn như thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp trí tuệ nhân tạo; tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về thiết kế vi mạch; lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên chuyên ngành gần sang thiết kế chip; tuyển sinh mới kỹ sư thiết kế vi mạch năm 2024.
Ông Thanh chia sẻ thêm, sự gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp sẽ là nền tảng đảm bảo hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo đòn bẩy để Đà Nẵng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (Sở TT&T) về phối hợp và hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với 6 trường đại học trên địa bàn. Hội nghị cũng chứng kiến việc trao hợp đồng triển khai đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn giữa Trường Đại học Đông Á và Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan, Trung Quốc); trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn giữa doanh nghiệp và các trường đại học; trao Biên bản ghi nhớ về nội dung hợp tác tuyển dụng nhân sự. |