Vừa qua, báo chí đăng tải nhiều bài viết phản ánh tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc với người đi xe máy không tuân thủ đúng quy định pháp luật. Chẳng hạn, đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng, thời hạn bảo hiểm xe máy 2 năm, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm “vỉa hè”, bảo hiểm xe máy bán với giá 20.000 đồng/năm,... Đặc biệt, người tham gia bảo hiểm phản ánh tình trạng hồ sơ bồi thường bảo hiểm phức tạp, đẩy khó cho người tham gia bảo hiểm.
Chia sẻ về vấn đề này ngày 22/5, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Nghị định số 103/2008/NĐ-CP quy định chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm phải tham gia và bán bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới theo đúng Quy tắc, điều khoản, biểu phí do Bộ Tài chính.
Trường hợp có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm cho phép đại lý giảm giá các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ.
Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh: Hồ sơ phải thật đơn giản, “đơn giản nhất có thể”. |
Với việc bán tràn lan bảo hiểm xe máy trên vỉa hè, theo ông Khánh, pháp luật hiện hành đã có quy định về hình thức bán sản phẩm bảo hiểm (bao gồm cả sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới), điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Việc người dân có thể mua bảo hiểm từ công ty tới vỉa hè là phụ thuộc vào hình thức bán sản phẩm bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc, chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện về trách nhiệm đối với người ngồi trên xe (không phải lái xe). Phí bảo hiểm đối với bảo hiểm tự nguyện này là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người có giá 20.000 đồng/2 người/năm, tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm là 10 triệu đồng/người/vụ.
Đây là điều người tham gia bảo hiểm phải chú ý. Bởi có người bán bảo hiểm cố tình “lập lờ”, gây nhầm lẫn với loại bảo hiểm bắt buộc, khiến cho người mua vẫn có thể bị xử phạt nếu cảnh sát giao thông kiểm tra.
Liên quan đến phản ánh thủ tục giấy tờ để nhận bồi thường phức tạp, ông Phùng Ngọc Khánh thừa nhận có tình trạng này, sự bức xúc của người tham gia bảo hiểm “là đúng”. Do đó, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng “hồ sơ phải thật đơn giản”, “đơn giản nhất có thể”.
“Không phải 100% các vụ tai nạn, dù là dăm ba trăm hay triệu đồng đều nhất thiết bắt buộc phải có đủ loại giấy giờ như biên bản giám định xác định thiệt hại có xác nhận của cơ quan công an”, ông Phùng Ngọc Khánh chia sẻ.
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các DN bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và mức chi hỗ trợ bồi thường... Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định trong tháng 5/2020.
Hiện Cục Quản lý, giảm sát bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính để xem xét, trình Chính phủ.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực như số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ).
Lương Bằng
Bảo hiểm xe máy: Mua dễ nhưng khó đòi bồi thường
Thời gian gần đây, người dân đổ xô mua bảo hiểm xe máy trước thông tin có đợt tổng kiểm tra phương tiện của lực lượng chức năng. Dù vậy đa phần mọi người đều cho biết mua bảo hiểm nhưng không mặn mà khoản đòi bồi thường.