Đưa con đến bệnh viện sáng nay (3/7), bà Phạm Ngọc Loan (ngụ quận 8) cho biết, mấy ngày qua trời mưa, kiến bay vào nhà rất nhiều. Nghĩ là kiến cánh thông thường, con bà bắt giết và không rửa tay, rồi trải chiếu ra sàn ngủ. Sáng hôm sau, toàn bộ vùng mặt của con sưng to, nổi mụn nước ở lỗ tai, mắt không mở ra được nên phải đi bệnh viện.
Tương tự, chị Yến Thu (ngụ quận Bình Thạnh) kể, buổi tối hôm trước, chị đang ngồi làm việc tại nhà bỗng thấy vướng và ngứa ở cổ nên đưa tay phủi. Khoảng 5 phút sau, vùng da cổ bắt đầu nóng, ngứa, rát, sau đó nổi mụn nước rất khó chịu, chị mới biết là vừa bị kiến ba khoang đốt...
Theo bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi - Phó trưởng phòng điều hành phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM, mùa mưa có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho kiến ba khoang sinh sản.
“Người dân thường hay nói bị kiến đốt, thực ra các tổn thương đó không phải do vết đốt, vết cắn mà do tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang. Dịch này gây ra tình trạng kích ứng da, tạo ra những vết mụn nước, rộp trên bề mặt da” - bác sĩ Uyển Nhi nói.
Bác sĩ Nhi lưu ý, khi bị viêm da do kiến ba khoang, người dân cần rửa nhẹ nhàng, không chà sát mạnh để tránh lây lan dịch tiết ra vùng da khác và hạn chế cào gãi, làm vỡ các mụn nước. Người bệnh nên đi khám tại bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên khoa.
“Nhiều bệnh nhân điều trị ở những cơ sở không uy tín, chẩn đoán sai thành bệnh zona… khiến tình trạng nặng thêm, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Việc đắp lá, đắp thuốc lên vùng da bị viêm sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn, dẫn đến nhiễm trùng, vết thương lan rộng, có thể gây ra sẹo…", bác sĩ Uyển Nhi nhấn mạnh.
Để phòng tránh kiến ba khoang, ở những khu vực nhiều cây cối, người dân có thể sử dụng lưới phòng chống côn trùng, giảm bớt ánh sáng đèn vào buổi tối, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế phơi quần áo ban đêm.