Thông tin nêu trên vừa được ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT chia sẻ với các đại biểu dự Hội nghị về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Điện Biên ngày 2/8.
Hội nghị được UBND tỉnh Điện Biên tổ chức với mong muốn giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và được tiếp cận, trải nghiệm các nền tảng số để phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số một cách thiết thực, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp Điện Biên.
Theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đến nay 100% các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn bản đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với trên 9.000 thành viên đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng địa chỉ, hỗ trợ người dân tiếp cận các nền tảng số cơ bản.
Người dân Điện Biên đã bắt đầu được hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: Thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, mua bán hàng hóa, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa…
Với các doanh nghiệp, trong hơn 1.200 đơn vị trên địa bàn Điện Biên, chiếm tỷ lệ lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất ít doanh nghiệp công nghệ số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 70,2%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx đạt 68,6%. 97,9% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử nhưng chỉ 5 doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, đạt tỷ lệ 0,36%.
Ông Vừ A Bằng cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, một số doanh nghiệp tại Điện Biên đã nhận thấy chuyển đổi số là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp.
”Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới”, ông Vừ A Bằng nhận xét.
Tuy vậy, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cũng chỉ rõ những thách thức, có thể cản trở hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn, đó là trở ngại về công nghệ, khó khăn về vốn đầu tư và thách thức từ chính nhận thức, năng lực của doanh nghiệp.
Ngoài ra, là những hạn chế về thị trường và các giải pháp chuyển đổi số; thiếu hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ hội nghị, cùng với việc giới thiệu nền tảng số để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã chuyển đổi số, các doanh nghiệp Viettel, VNPT, MISA còn ký kết với Sở TT&TT Điện Biên biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số công cộng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phối hợp, hỗ trợ Sở TT&TT Điện Biên xây dựng các chính sách, các hoạt động truyền thông, tư vấn về ứng dụng các giải pháp ký số, đặc biệt giải pháp ký số từ xa cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên sử dụng trong các dịch vụ công của tỉnh.
Các doanh nghiệp MISA, VNPT, Viettel cũng áp dụng chính sách miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân Điện Biên khi thực hiện thủ tục hành chính trong 12 tháng cùng nhiều ưu đãi khác cho các cá nhân, doanh nghiệp khi sử dụng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là mục tiêu của quốc gia, trong đó chữ ký số là chìa khóa quan trọng để góp phần đưa người dân lên môi trường số, Phó Giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn cho biết, Bộ TT&TT luôn khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động nhằm cung cấp, phổ cập chứng thư số đến doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, ông Phạm Quốc Hoàn lưu ý trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp cũng như tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cần hết sức thận trọng, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, pháp lý để tránh xảy ra sai sót đặc biệt với các lĩnh vực hóa đơn điện tử, hoàn thuế và thủ tục hải quan.
Đại diện NEAC cũng đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên giao Sở TT&TT làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số với cộng đồng doanh nghiệp tại Điện Biên để tìm, chọn các nền tảng số phù hợp với quy mô và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.