Tạo động lực, môi trường cho trẻ học tiếng Việt
Chương trình “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện đã diễn ra vào sáng 20/8/2023.
Tại đây, hơn 50 giáo viên đang dạy tiếng Việt ở 16 quốc gia, vùng lãnh thổ được Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách giáo khoa “Chào tiếng Việt” chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện trong quá trình bà tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời hướng dẫn giáo viên triển khai một số hoạt động thực tế tại lớp học trên cơ sở bộ sách “Chào tiếng Việt”, từ cách hòa nhập và thu hút sự chú ý của các em đến cách tạo sự hứng thú cho trẻ với ngôn ngữ mẹ đẻ.
“Tiếng Việt là di sản các con được thừa kế chứ không phải học ngôn ngữ thứ 2. Trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, nếu không tạo được sự thích thú sẽ khiến trẻ áp lực và chán nản. Muốn trẻ học được tiếng Việt phải tạo ra động lực, môi trường cho trẻ, tạo sự mới lạ cho các con, qua đó các con tự ý thức và phát huy tinh thần tự học tiếng Việt”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, khi tham dự các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài, trước hết bà thường "xóa bỏ sự sợ hãi” và tiết chế nội dung học. Mỗi buổi chỉ đưa ra kiến thức vừa đủ để trẻ không thấy quá dễ và cũng không quá sợ. Nội dung bài giảng xuất phát từ thực tiễn, tạo thành trò chơi, ví dụ như pha trà, vắt cam, pha nước chanh. Trong đó sẽ có những từ khóa được nhắc đi, nhắc lại để trẻ nhớ.
Ở trò chơi pha nước cam, bà tạo thành bài hát, cùng trẻ mô phỏng động tác, vừa mô phỏng vừa hát và nhấn ở từ khóa: “Khuấy khuấy khuấy; vắt vắt vắt…”. Như vậy, khi thực hành pha nước cam ở nhà, trẻ sẽ tự nhớ từ khóa này; những từ khó phát âm đến với trẻ hoàn toàn tự nhiên và dễ nhớ.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh còn dùng trò đố vui, giải câu đố có thưởng với nội dung tiếng Việt, kích thích sự tò mò của các em; hay đưa ra trò chơi, mỗi ngày cô học 5 từ tiếng nước ngoài, đổi lại các em học 5 từ tiếng Việt…
Một số hoạt động thực tế tại buổi trao đổi kinh nghiệm.
Đại biểu Trần Thị Hồng Vân, giảng viên chuyên ngành Biên phiên dịch, Đại học Western Sydney, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến duy trì ngôn ngữ văn hóa Việt tại Australia - Viet School cho biết, bên cạnh phương pháp dạy học, việc phát triển những tủ sách tiếng Việt tại nước ngoài có vai trò rất lớn, để trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài có thêm tư liệu phục vụ việc học tiếng mẹ đẻ. Đồng thời, tủ sách dành cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài là món ăn tinh thần rất ý nghĩa mà Chính phủ dành cho đồng bào ta ở nước ngoài.
Chị Vân mong muốn một ngày không xa, bà con tại Australia cũng sẽ có những tủ sách như vậy. Ngoài ra, các nhà xuất bản, các cơ quan trong nước nghiên cứu việc xây dựng tủ sách online để tiện cho bà con ta ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, dù sống ở bất cứ đâu.
Về việc tập huấn giảng dạy tiếng Việt, chị Vân cho rằng, ngoài việc tập huấn giảng dạy cho các giáo viên, các nhà chuyên môn về ngôn ngữ và biên soạn sách cũng cần nghiên cứu xây dựng cẩm nang hoặc sách hướng dẫn cho phụ huynh khi ra bộ sách giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài. Theo chị, để các cháu kiều bào trẻ nói và hiểu tốt tiếng Việt, cần vai trò hết sức quan trọng của cha mẹ. Do đó, nếu các bậc phụ huynh có sách hướng dẫn giảng dạy tiếng Việt cho con em thì việc học tiếng Việt của các em sẽ hiệu quả hơn nữa.
Bản thân chị Vân cũng trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp dạy tiếng Việt ở Australia. Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, đó là muốn tạo hứng thú cho các em học tiếng Việt phải gắn với hoạt động thực tiễn, sở thích. Tại lớp chị dạy, các em thích xem phim và chơi bowling. Khi các em học tốt, hiệu quả hay hăng hái, chị sẽ tặng một tấm thẻ. Nếu gom đủ số lượng thẻ chuyên cần, trẻ sẽ được đổi 1 vé xem phim hoặc chơi bowling. Với cách đó, các trẻ đến lớp học tiếng Việt rất chăm chỉ, hứng thú và có động lực. “Đó cũng là cách để vinh danh sự nỗ lực của các em”, chị Vân nói.
Chị Đặng Thị Thu Hằng, đại biểu trở về từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều phương pháp hấp dẫn trẻ đến lớp tiếng Việt. Hiện chị dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Kỹ thuật Minh Tân và Tiểu học Minh Hồ, Tân Trúc. Đối tượng học tiếng Việt của chị rất đa dạng, doanh nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ…
Bên cạnh đó, chị mở một lớp dạy tiếng Việt tại trung tâm do hội kiều bào tổ chức. Phương pháp chị đang áp dụng là dạy qua ẩm thực và trò chơi dân gian Việt Nam. Đặc biệt, chị chia sẻ, có một số trẻ khi đến lớp học ngôn ngữ Việt Nam thấy khó nên từ chối tham gia các hoạt động cùng các bạn. Để thu hút các em này, chị tổ chức đa dạng hoạt động như nhảy, vẽ, hát, đàn… và cố gắng lồng ghép môn em yêu thích vào tiết học và mời em tham gia.
Ban đầu, em đó tham gia miễn cưỡng nhưng khi thấy được biểu diễn, được cô và bạn bè ghi nhận, ủng hộ, từ chỗ từ chối học, em say mê và thích học tiếng Việt để có thể chia sẻ nhiều hơn với mọi người sở thích của mình. Ngoài ra, chị Hằng còn dựa vào văn hóa bản địa để tương tác hai chiều với trẻ. “Đó là cách tôi chia sẻ khó khăn với trẻ, tạo động lực cho trẻ khi tiếp cận ngôn ngữ khác”, chị nói.
Các giáo viên tham gia thảo luận nhóm trong giờ tập huấn với giảng viên.
Giọng đầy xúc động, chị Hằng tâm sự: “Việc dạy tiếng Việt miễn phí cho các em nhỏ xuất phát từ tình yêu Tổ quốc, tinh thần tự hào dân tộc. Tôi muốn đưa văn hóa và nét đẹp Việt Nam đến với mọi người.
Trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài hoặc trẻ là con lai – mang một nửa dòng máu Việt Nam rất ít có cơ hội được học tiếng Việt do gia đình bận rộn, không có thời gian dạy. Tuy nhiên, khi tham gia các lớp học này, khả năng tiếp cận của các em rất nhanh. Lớp học diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Lớp học có nhiều giáo viên thay phiên nhau dạy.
Lớp không chỉ dạy về ngôn ngữ mà còn khơi dậy tình yêu Việt Nam qua phong tục, văn hóa, ẩm thực… của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Tết sẽ học gói bánh chưng… Thông qua lớp học tiếng Việt, các em chủ động nói tiếng Việt với bố mẹ ở nhà. Khi ông bà, người thân ở Việt Nam sang, các em sử dụng tiếng Việt để giao tiếp”.
Những tiết học tiếng Việt thú vị của cô Hằng cùng các học trò.
Giao lưu, chia sẻ công tác chuyên môn giảng dạy
Sáng 24/8, trong khuôn khổ Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, đoàn giáo viên tham dự tập huấn đã có chuyến thăm và giao lưu với các thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hà Nội.
Tại buổi đón tiếp, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ niềm vui khi được đón tiếp các thầy cô đồng nghiệp từ các nước trên thế giới với trách nhiệm cao cả là giữ gìn và phổ biến rộng rãi tiếng Việt tới thế hệ trẻ kiều bào và bạn bè quốc tế.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những ngôi trường tư thục có chất lượng giáo dục thuộc top đầu của thành phố Hà Nội. Giáo viên nhà trường luôn tận tâm và nỗ lực để học sinh đến trường không chỉ thu nhận được nhiều kiến thức, mà còn phải cảm thấy hạnh phúc. Đây cũng là mong muốn, mục tiêu hướng tới và có lẽ cũng tạo nên sức hấp dẫn riêng của trường trong nhiều năm qua.
Đoàn đại biểu đến thăm và dự giờ thực tế tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cô cho biết, phương pháp giảng dạy học sinh của trường luôn được Hội đồng Chuyên môn tư vấn trên cơ sở kế thừa truyền thống giáo dục trong nước cũng như tiếp thu, học tập các nước tiên tiến để giúp đạt mục tiêu tạo niềm hạnh phúc cho học sinh khi đến trường.
Các thầy cô trong đoàn đã được dự giờ dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 2 và lớp 3 của giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dù việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh trong nước và học sinh người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đặc điểm khác nhau, nhưng qua việc dự giờ thực tế đã giúp các giáo viên có thêm kinh nghiệm chuẩn bị bài giảng, khai thác dữ liệu học tập, xử lý tình huống sư phạm... Qua đó tạo sự gắn kết, giao lưu, chia sẻ trong công tác chuyên môn giảng dạy tiếng Việt giữa giáo viên trong và ngoài nước.
Trong mỗi người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được xem là tài sản đáng tự hào, cần được giữ gìn và phát huy. Trong đó, tiếng Việt chính là sợ dây kết nối lời yêu thương của những người có chung tiếng nói, chung dòng máu Việt, giúp gắn kết trái tim Việt Nam với quê hương, Tổ quốc.
Những kiến thức thu được từ khóa tập huấn và trải nghiệm từ các hoạt động thực tế tại quê hương chính là động lực để các giáo viên kiều bào tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Việt ở nước sở tại.