Chiếc gương có niên đại từ thế kỷ 15 hoặc 16 được cất giữ trên kệ cùng với các đồ vật khác trong kho suốt nhiều năm. Công chúng không có cơ hội được tiếp xúc với món đồ này.
Trước năm 2017, không ai trong bảo tàng biết rằng chiếc gương có vẻ ngoài giản dị lại ẩn chứa một bí mật không ngờ.
Hou-mei Sung, người phụ trách nghệ thuật Đông Á của Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati, đã tình cờ phát hiện ra điều kỳ diệu khi nghiên cứu những “chiếc gương ma thuật” xuất xứ châu Á. Theo đó, khi có một loại ánh sáng đặc biệt rọi vào, chiếc gương cổ sẽ phản chiếu hình ảnh, hoa văn.
Sung nhận ra món đồ trong kho của bảo tàng giống với chiếc gương có từ thời Edo (Nhật). Gương ở Bảo tàng nghệ thuật Cincinnati có những dòng chữ Trung Quốc và nhỏ hơn so với hiện vật tương tự ở Tokyo (Nhật), Thượng Hải (Trung Quốc), New York (Mỹ).
Vì vậy, Sung quyết định tới phòng lưu trữ cùng với một chuyên gia bảo tồn. “Tôi đề nghị chuyên gia chiếu một luồng ánh sáng mạnh và tập trung vào gương. Cô ấy sử dụng đèn pin điện thoại di động và đạt được hiệu quả”, Sung nhớ lại.
Theo CNN, tấm gương đã phản chiếu hình ảnh mờ mờ trên bức tường đối diện. Thí nghiệm sau đó sử dụng nguồn sáng mạnh hơn giúp các chuyên gia nhận thấy chân dung vị Phật đang tỏa ánh hào quang. Dòng chữ phía sau gương viết tên Phật A Di Đà - vị Phật được tôn thờ nhiều trong Phật giáo Đại thừa. Tên của Ngài hàm chứa ý nghĩa Vô lượng quang (hào quang tỏa sáng muôn phương), Vô lượng thọ (Ngài sẽ sống rất lâu).
Phát hiện này khiến Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati trở thành một trong số ít nơi trên thế giới sở hữu gương "ma thuật".
Trước khi phát minh ra gương thủy tinh như ngày nay, người dân ở nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới soi mình vào đồ đồng được đánh bóng. Trung Quốc bắt đầu làm những chiếc gương "ma thuật" vào thời nhà Hán, khoảng 2.000 năm trước. Sau đó, kỹ thuật chế tác được truyền sang Nhật Bản.
Để tạo ra hiệu ứng huyền bí, ban đầu các nghệ nhân dập nổi hình ảnh, từ ngữ hoặc hoa văn lên một mặt của tấm đồng. Sau đó, họ đánh bóng mặt bên kia. Theo tạp chí UNESCO Courier, người thợ dùng một chất gốc thủy ngân để bề mặt tấm đồng căng bóng.
Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, hình ảnh ẩn sẽ lộ ra, tạo ảo giác rằng ánh sáng đang xuyên thẳng qua gương. Vì lý do này, người Trung Quốc còn gọi đây là gương “trong suốt”.
Với tấm gương ở Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati, một tấm kim loại thứ hai có thể đã được hàn vào mặt sau, che đi phần chạm nổi hình Phật.
Lý thuyết làm chiếc gương “ma thuật” có vẻ dễ dàng nhưng việc tạo ra sản phẩm trong thực tế không đơn giản. “Tất cả đều phụ thuộc vào người thợ đánh bóng bề mặt. Điều này cực kỳ khó khăn. Đó là lý do chúng rất hiếm”, Sun giải thích.
Với đường kính khoảng 21cm, chiếc gương của Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati có thể đã được sử dụng làm vật trang trí treo trong đền chùa hoặc hoàng cung. Bảo tàng hiện vẫn chưa giải mã được liệu món đồ cổ có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Nhật Bản.
Hiện vật này lần đầu tiên được ghi nhận có trong bộ sưu tập nghệ thuật châu Á của bảo tàng năm 1961 mặc dù người phụ trách cho rằng chiếc gương có thể đã được mua từ lâu trước đó. Cô cũng nghi ngờ các tổ chức và nhà sưu tập khác đang sở hữu những chiếc gương tương tự mà không hề hay biết.
“Trong các cuộc đấu giá trên mạng, tôi thấy một số thiết kế khá giống chiếc gương của chúng tôi nhưng người bán không hề nói rằng đó là gương ma thuật”, Sun nói thêm.