Ngày 22/5/2010, một lập trình viên đã mua hai chiếc pizza với 10.000 Bitcoin. Nếu tính đến nay thì hai chiếc pizza này có giá tương đương với 150 triệu USD, được mệnh danh là những chiếc pizza đắt nhất thế giới.
Gần hơn, cách đây hơn 4 năm, Coupa Café, 1 quán café ở Palo Alto (California, Mỹ) bắt đầu chấp nhận bitcoin. Chính sách này được đưa ra ngay trước khi đồng bitcoin gây sốt và giá tăng vọt từ mức khoảng 100 USD lên hơn 1.000 USD. Khi đó, trung bình mỗi tuần sẽ có khoảng 2-3 khách hàng của Coupa sử dụng bitcoin để thanh toán. Ở thời điểm hiện tại, con số … vẫn là 2-3 người/tuần.
Hai câu chuyện ở trên cũng chính là câu chuyện bao trùm đồng bitcoin trong năm 2017: “ông vua” của thị trường tiền số đã làm giàu cho vô số kẻ đầu cơ nhưng lại hầu như dậm chân tại chỗ trong việc trở thành 1 phương tiện thanh toán. Trừ những quốc gia như Venezuela, nơi lạm phát phi mã khiến đồng nội tệ còn biến động mạnh hơn cả giá bitcoin, bitcoin gần như không được sử dụng để thanh toán.
Khi những doanh nghiệp như quán café nói trên bắt đầu chấp nhận bitcoin, họ đã hồ hởi dự đoán rằng cuối cùng thì tiền số sẽ thay thế tiền giấy. Nhưng họ đã đoán sai.
Năm 2017, giá bitcoin tăng từ 1.000 lên 19.000 USD, mức biến động trong ngày có thể lên tới vài nghìn USD. Chính phủ các nước như Trung Quốc và Nhật Bản siết chặt luật lệ quản lý tiền số, thậm chí Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền số và cấm hoạt động ICO.
Sức hấp dẫn của bitcoin cũng khiến mạng lưới bị chậm đi rất nhiều và đẩy phí giao dịch tăng vọt. Đến cuối tháng 12, những người muốn bán bitcoin phải lựa chọn hoặc chờ đợi vài giờ (có lúc là vài ngày) hoặc phải trả mức phí 55 USD (trung bình) để hoàn tất giao dịch (giữa năm 2016 mức phí chỉ vào khoảng 15 cent).
Điều này có nghĩa là bitcoin không thể được sử dụng cho các giao dịch thường ngày, chẳng hạn như dùng bitcoin để mua 1 cốc café giá 3 USD.
John Quinn, đồng sáng lập của Storj Labs là 1 startup chuyên về lưu trữ dữ liệu, nhận xét mạng lưới bitcoin thực sự rất kém. Mùa xuân năm ngoái, hơn chục nhân viên của Quinn đã làm việc cật lực 12h mỗi ngày trong suốt 2 tháng để chuyển đổi từ bitcoin sang ethereum. Bitcoin đã 8 năm tuổi trong khi ethereum mới chỉ 2 năm tuổi. Ethereum cũng có những hạn chế riêng như phí giao dịch tăng nhưng nó đang trở thành lựa chọn đầu tiên của những startup muốn sử dụng các hợp đồng thông minh hoặc huy động vốn thông qua hình thức ICO.
Lucas Nuzzi, chuyên gia phân tích cao cấp tại Digital Asset Research, cho rằng trong khi ethereum đã bổ sung thêm rất nhiều tính năng và công dụng, bitcoin gần như vẫn còn nguyên vẹn như ngày mới ra đời.
Những hạn chế của bitcoin ngày càng trở thành rắc rối lớn trong bối cảnh nhiều ngân hàng và các định chế tài chính khác tự xây dựng cho mình mạng lưới tương tự. Richard Brown, giám đốc công nghệ của R3, tập đoàn đang giúp các công ty xây dựng các mạng lưới, cho biết mục tiêu của R3 là mức phí sẽ chỉ ở quanh mức 1 cent. Đồng thời sẽ chỉ mất vài giây để hoàn thành giao dịch.
Chính sự bất đồng ý kiến về việc nâng cấp mạng lưới đã khiến các nhà phát triển bitcoin chia tách thành nhiều nhóm, tạo ra những đồng tiền “anh em” của bitcoin. Theo Michael Dunworth, CEO của Wyre (công ty cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biến giới sử dụng mạng lưới bitcoin), các startup muốn bước vào ngành này cần phải nhận thức được rằng họ đang xây dựng 1 ngôi nhà trên nền đất liên tục dịch chuyển.
Bởi vì bị giới hạn chỉ có 21 triệu đồng, nhiều người cho rằng bitcoin sẽ không trở thành 1 mạng lưới giao dịch mà sẽ trở thành vàng của thế giới số. Có vẻ như Roger Ver, người được mệnh danh là “Chúa Jesus Bitcoin” và năm ngoái đã dùng bitcoin để trả lương cho 60 nhân viên cũng như đặt khách sạn trên Expedia, đã sai khi cho rằng mức độ phổ cập sử dụng bitcoin trong thanh toán sẽ là yếu tố quyết định giá.
Theo GenK