Nhà cổ Quân Thắng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, pha trộn giữa phong cách Trung Hoa và Việt Nam. Đây là một trong những ngôi nhà cổ được đánh giá đẹp nhất ở Hội An.

Ngôi nhà được đặt theo tên của chủ nhân đầu tiên là ông Quân Thắng, một thương nhân người Hoa giàu có bậc nhất tại phố Hội thời xưa.

Bà Diệp Ái Phương (cháu đời thứ 7 của thương nhân Quân Thắng) cho biết, ban đầu nơi đây là một hiệu buôn sầm uất, chuyên kinh doanh các loại hàng hóa quý hiếm.

Hiện ngôi nhà được gia đình mở cửa để đón khách tham quan và bán các loại bánh đặc sản như: Bánh hoa hồng trắng, bánh bao, bánh vạc, hoành thánh chiên,…

Với lối kiến trúc hàng buôn, căn nhà sử dụng chất liệu gỗ lim làm chủ đạo, tạo nên không gian ấm cúng, độc đáo và sang trọng.

Mỗi chi tiết trong nhà từ cửa, cột, trần nhà đến các họa tiết trang trí đều được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo bởi các nghệ nhân nổi tiếng của làng mộc Kim Bồng.

Ngôi nhà cổ được chia làm nhiều không gian tách biệt với gian mặt tiền là tiệm buôn, tiếp đến là phòng khách, sân vườn, nhà dưới và gian bếp. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình đều nằm ở tầng 2.

Trải qua khoảng 300 năm tuổi và nhiều lần trùng tu, ngôi nhà cổ vẫn được các thế hệ của gia đình bảo tồn khá nguyên vẹn về kiểu dáng, nét kiến trúc và cách bài trí nội thất cổ xưa.

Hình ảnh ghi nhận tại ngôi nhà cổ nổi tiếng Hội An:

W-Anh 1.jpeg
Nhà cổ Quân Thắng nằm trên đường Trần Phú, một trong những tuyến phố sầm uất nhất của Hội An. Mái ngói âm dương tạo nên vẻ đẹp trầm lắng cho ngôi nhà có tuổi đời khoảng 3 thế kỷ.
W-Anh 2.JPG.jpg
Ngôi nhà có diện tích 300m2, mang kiến trúc hàng buôn, chiều ngang hẹp, chiều dài lớn.
W-Anh 3.jpg
Con mắt cửa với tấm vải đỏ là nét bài trí đặc trưng của những ngôi nhà cổ ở Hội An, hàm ý ngăn chặn những điều không may mắn.
W-Anh 5.a.jpg
Gian tiếp khách trước đây dùng để trưng bày thổ sản, thuốc Bắc. Hệ thống tường, vách, cột đều làm bằng gỗ lim quý và được chạm khắc tinh xảo với những hoa văn, hình khối mang ý nghĩa phong thủy. Kế gian buôn bán, một bên là gian thờ tổ tiên, một bên là trường kỷ tiếp khách.
W-Anh 6.jpg
Giữa lối vào nhà có bàn thờ treo, nơi để gia chủ cầu mong mưa thuận gió hòa, mua may bán đắt. Tại cửa nối gian nhà buôn với gian nhà ở có vạch đánh dấu mực nước ngập tại đây qua các trận lũ lịch sử.
W-Anh 7.jpg
Khoảng sân vườn ở trung tâm ngôi nhà giúp lấy ánh sáng và lưu thông không khí. Tại đây có hồ nuôi cá và hòn non bộ.
W-Anh 8.jpeg
Chị Ái Phương, người quản lý nhà cổ cho biết, các cánh cửa chính được chạm khắc kỳ công, mô phỏng bàn tính tiền bằng gỗ ngày xưa.
W-Anh 9.jpg
Qua khu sân vườn là không gian sinh hoạt dành cho gia đình
W-Anh_13_balanced_lighting_retry.jpg
Không gian tầng 2 của ngôi nhà khá rộng rãi, sàn nhà cũng được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Đây là nơi sinh hoạt riêng của gia đình.
W-Anh 56663.jpeg
Nhà cổ Quân Thắng là minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây cũng là 1 trong 7 nhà cổ được Hội An công nhận và là điểm tham quan văn hóa hấp dẫn.