Chiến lược hành động của UNESCO được thực hiện theo các Chương trình Trung hạn được Đại hội đồng UNESCO phê chuẩn. Các Chương trình Trung hạn này thường kéo dài khoảng 5 năm, được chia thành các Chương trình ngắn hạn gắn với nguồn ngân sách cụ thể.
Định hướng chiến lược của UNESCO
Chiến lược hành động của UNESCO được thực hiện theo các Chương trình Trung hạn được Đại hội đồng UNESCO phê chuẩn. Các Chương trình Trung hạn này thường kéo dài khoảng 5 năm, được chia thành các Chương trình ngắn hạn gắn với nguồn ngân sách cụ thể.
Chương trình Trung hạn giai đoạn 2002-2007 cùng với Chương trình Ngân sách giai đoạn 2002-2003 gắn với chủ trương cải cách của UNESCO đã được Đại hội đồng 31 của UNESCO thông qua vào tháng 10 và tháng 11 năm 2001 bằng Nghị quyết 31C/Resolution. Chiến lược hướng tới việc thiết lập một cách nhìn mới và cách quan sát mới cho Tổ chức bằng cách gạn lọc lại các chức năng căn bản của UNESCO.
Nhìn tổng quan, đó là một chủ đề lớn liên quan đến vai trò và đóng góp của UNESCO đối với hoà bình và sự phát triển của nhân loại trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, thông qua các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông. Theo cách đó, điều này dẫn đến việc cần xác lập mối quan hệ giữa quyền lực của UNESCO với vai trò của tổ chức này trong tiến trình toàn cầu hoá của toàn nhân loại.
Chiến lược kết hợp các chương trình chủ yếu của UNESCO với các mục tiêu chung và định ra một con số nhất định các mục tiêu mang tính chiến lược cho giai đoạn hiện nay. Con số đó được UNESCO đưa ra là 12 vấn đề chiến lược, mỗi vấn đề lớn đó được gắn với những chương trình cụ thể. Theo hướng các mục tiêu chiến lược này, hai chủ đề cốt lõi đã được xây dựng mà về bản chất là phản ánh và xuyên suốt trong tất cả các chương trình hành động cụ thể của UNESCO, đó là: loại bỏ tận gốc sự nghèo đói, đặc biệt là đối với tình trạng bần cùng và: đóng góp của công nghệ thông tin và truyền thông vào sự nghiệp giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin đồng thời xây dựng một xã hội tri thức.
1. Chủ đề hợp nhất của UNESCO
UNESCO đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình và phát triển con người trong thời đại quốc tế hoá thông qua giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông.
2. Ba chiến lược chính mang tính xuyên suốt của UNESCO
- Phát triển và hỗ trợ các nguyên tắc ,các tiêu chuẩn toàn cầu dựa trên các giá trị được chia sẻ nhằm đáp ứng các thách thức trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông; bảo vệ và củng cố “các thành quả tốt đẹp của cộng đồng”.
- Khuyến khích tính đa dạng thông qua việc thừa nhận sự an toàn của tính đa dạng của nhân quyền.
- Khuyến khích việc trao quyền và thực hành cho một xã hội tri thức thông qua các cơ hội chia sẻ kiến thức.
3. Mười hai mục tiêu chiến lược cụ thể của UNESCO
Về Giáo dục:
1. Đẩy mạnh giáo dục như một quyền căn bản phù hợp với Tuyên bố Nhân quyền;
2. Cải thiện chất lượng giáo dục trong sự đa dạng hoá nội dung và phương pháp giáo dục và đẩy mạnh việc chia sẻ các giá trị trên phạm vi toàn thế giới;
3. Đẩy mạnh việc thử nghiệm, canh tân, phổ biến và chia sẻ các thông tin và đối thoại giữa kinh nghiệm thực tiễn và chính sách trong lĩnh vực giáo dục.
Về Khoa học:
4. Thúc đẩy các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức trong việc phát triển khoa học công nghệ và trong sự chuyển hoá xã hội;
5. Cải thiện các điều kiện an toàn cho con người nhờ vào việc quản lý tốt hơn những thay đổi môi trường và xã hội;
6. Nâng cao các điều kiện tham gia cho mọi người về mặt khoa học, kỹ thuật và nhân văn trên con đường tiến tới một xã hội tri thức.
Về Văn hoá:
7. Đẩy mạnh việc soạn thảo và ứng dụng các công cụ chuẩn mực trong lĩnh vực văn hoá;
8. Bảo đảm an toàn cho tính đa dạng văn hoá và khuyến khích đối thoại giữa các nền văn hoá và các nền văn minh;
9. Tăng cường các mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển, thông qua khả năng xây dựng và chia sẻ tri thức.
Về Thông tin và Truyền thông:
10. Thúc đẩy luồng thông tin tự do đối với các ý tưởng và truy cập thông tin ở phạm vi toàn cầu;
11. Thúc đẩy việc mở rộng sự đa dạng về văn hoá trong các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng thông tin quốc tế;
12. Tạo khả năng tiếp nhận tất cả các công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin cộng đồng.