Dư luận hiện đặt câu hỏi, nếu sự sẵn lòng chấp nhận khó khăn của người dân ở các nước phương Tây giảm đi trong những tháng tới và cuộc chiến Nga - Ukraine không còn được đề cập đến trên trang nhất các báo, liệu các nhà lãnh đạo của những nước này có duy trì mức độ viện trợ hiện thời cho Kiev?
Theo báo Guardian, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận thức rõ ràng rằng, tình yêu của phương Tây dành cho đất nước của ông là có điều kiện. Viện trợ quân sự bị hạn chế vì tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo sợ chọc giận Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, các quan chức Anh cho rằng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang "quá háo hức" thúc đẩy một thỏa thuận đàm phán đầy rủi ro, có nguy cơ hủy hoại các lợi ích tốt nhất của Ukraine. Bị đối thủ Marine Le Pen cáo buộc phớt lờ các vấn đề trong nước, vị trí dẫn đầu của ông Macron trong các cuộc thăm dò ủng hộ của cử tri đã bị thu hẹp trước cuộc bầu cử.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện tập trung cho vấn đề an ninh của các nguồn cung cấp năng lượng trong nước, thay vì an ninh tương lai của châu Âu. Ông Scholz nhận thức, lời đe dọa của Tổng thống Nga về việc cắt đứt nguồn cung khí đốt, nếu được thực hiện sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp quốc gia với Đức. Liên minh cầm quyền của ông Scholz đang rạn nứt sau cuộc tranh cãi với đảng Xanh, những người nói rằng ông và cựu Thủ tướng Angela Merkel đã không lường trước rủi ro của việc phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Lập luận này sẽ càng trở nên dữ dội hơn khi chiến tranh kéo dài và tình trạng sẽ không chỉ ở Đức.
Các hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với NATO và Liên minh châu Âu (EU) cách đây hơn 1 tuần đã không đưa ra được một kế hoạch dài hạn cần thiết cho vấn đề Ukraine. Chúng thậm chí đã làm dấy lên những câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông chủ Nhà Trắng. Việc ứng phó với khủng hoảng Ukraine chỉ giúp ông Biden tăng điểm khiêm tốn trong khảo sát dư luận.
Một cuộc thăm dò mới hé lộ, 61% người Mỹ tin giá xăng dầu cao hơn, tăng tới 20% trong một tháng, là xứng đáng để chống lại Nga. Hầu hết đều ủng hộ các đợt triển khai thêm binh lính Mỹ tới châu Âu.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ tổng thể dành cho Tổng thống Biden lại ở mức thấp là 41%. Chỉ 39% tán thành cách điều hành nền kinh tế của ông. Trong khi đây là chiến trường quan trọng nhất ở Mỹ khi đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump nỗ lực giành quyền kiểm soát Quốc hội vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới. Giới quan sát tin, đó là lí do tại sao Nhà Trắng đã quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Vấn đề ở chỗ, liệu khi thách thức bủa vây, ông Biden có còn kiên định chính sách viện trợ cho Ukraine như hiện nay hay tìm cách rút lui nhanh chóng.
Ngoài ra, ở Mỹ và EU, động lực chống Nga lúc ban đầu dường như đã chững lại và thậm chí có thể đảo ngược. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước đã thúc giục Brussels nhanh chóng đưa ra gói trừng phạt thứ 5. Song, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU cho biết, liên minh sẽ “duy trì” thay vì “tăng cường” áp lực lên Moscow, một cách tiếp cận thận trọng được Pháp và Đức ưa chuộng nhưng khiến Ba Lan và các nước cộng hòa vùng Baltic tức giận.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga quả quyết, các biện pháp trừng phạt của Washington và Brussels đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của dân thường ở Mỹ và châu Âu. Theo người này, các nhà lãnh đạo phương Tây có nguy cơ làm cho tình hình của người dân trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh Moscow mới đe dọa chặn xuất khẩu lương thực và nông sản. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh thủ mua dầu mỏ giảm giá của Nga.
Các áp lực liên quan đến Ukraine đối với các nhà lãnh đạo phương Tây chắc chắn đang leo thang trên diện rộng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước từng cảnh báo, cuộc chiến sẽ gây thiệt hại “khủng khiếp” cho nền kinh tế toàn cầu cũng như dẫn đến suy thoái sâu sắc ở Nga và Ukraine. Một dự báo công bố vào hồi tháng 3 nhận định, chỉ riêng Anh sẽ bị thiệt hại 90 tỷ Bảng (gần 117,4 tỷ USD) giữa lúc người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn để phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Ở Tây Ban Nha, đảng dân túy cực hữu Vox đã dùng việc giá cả tăng cao để thúc đẩy các cuộc biểu tình chống chính phủ. Tương tự như vậy, các cuộc biểu tình mang tính chính trị hóa đã nổ ra ở Pháp, Italia và Hy Lạp. Trong khi, các lo ngại về một cuộc chiến lan rộng hơn đã giúp Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người được coi là đồng minh của ông Putin, giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Các chính trị gia phương Tây có thể giữ lời và thực hiện các cam kết của họ với Ukraine, hoặc có thể không. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí The Economist, Tổng thống Ukraine bày tỏ sự dè dặt về mức độ đáng tin cậy của những hứa hẹn từ một số nhà lãnh đạo châu Âu.
“Anh muốn Ukraine thắng… nhưng nước này đang không thực hiện một hành động cân bằng", ông Zelensky nói. Người đứng đầu Kiev mô tả Thủ tướng Đức Scholz "thực dụng" và nhầm lẫn khi “chưa đưa ra quyết định dứt khoát”. Ông đồng thời thúc giục Thủ tướng Hungary Orbán chọn bên. Tổng thống Ukraine thậm chí dùng những lời lẽ gay gắt nhất dành cho chính phủ của Tổng thống Pháp Macron và thẳng thừng khẳng định "họ sợ".
Nếu chiến tranh kéo dài sang mùa thu như nhiều người dự đoán, nỗi đau kinh tế, đặc biệt về chi phí năng lượng, các căng thẳng chính trị kéo theo, "sự mệt mỏi về các lệnh trừng phạt", tình trạng gia tăng thờ ơ của công chúng, sự leo thang chi phí hỗ trợ quân sự và nhân đạo cùng thách thức trong việc tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Ukraine có thể kết hợp, làm suy yếu đáng kể sự ủng hộ của các chính phủ phương Tây dành cho Kiev.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, một kết cục như vậy sẽ là thảm họa đối với người dân Ukraine và có thể cả an ninh chung của châu Âu. Song, vẫn cần chờ xem mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra sao.
Tuấn Anh