Đây là thay đổi lớn nhất trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến tại Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện với Moscow.
Tổng thống Vladimir Putin đã chủ động triển khai quân đội tới Ukraine từ các cuộc tập trận quy mô lớn trước đó. Tuy nhiên, do sự bảo đảm về hậu cần có vấn đề, đặc biệt do các nước thuộc Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, nên chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ.
Chiến tranh Ukraine được chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng là một cuộc chiến được phát động vội vàng. Lấy danh nghĩa tập trận, Moscow đã triển khai một số lượng lớn quân đến khu vực phía Tây nước Nga. Tuy nhiên, vì được triển khai với danh nghĩa tập trận nên các sĩ quan, binh lính tham gia chưa được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, đồng thời công tác bảo đảm hậu cần cũng có sự thiếu hụt nghiêm trọng.
Cuộc chiến đi vào bế tắc
Hiện tại, Nga đã thu hẹp chiến trường, thực hiện chiến lược bao vây ở khu vực miền Đông và các thành phố ven biển Ukraine. Và dĩ nhiên, Ukraine rất khó giành chiến thắng ở những khu vực này. Tuy nhiên, Nga gần như không thể kiểm soát hoàn toàn Ukraine.
Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây liên tục gửi vũ khí đến Ukraine, nhưng cũng chưa đủ làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Trong hầu hết các tuyên bố, phương Tây vẫn tỏ thái độ tự tin. Tuy nhiên, có một điều rất đáng lo ngại. Dù Ukraine cho đến nay đã thể hiện khá tốt, nhưng con số thực tế phản ánh lợi thế thuộc về Nga khiến những lạc quan khó có thể kéo dài. Thật khó để Ukraine có thể chống đỡ các vũ khí của Nga vô thời hạn, nhất là khi nhìn vào các cuộc giao tranh đang diễn ra.
Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, Nga sẽ bị sa lầy và Mỹ cũng sẽ bị mắc kẹt trong đó. Đó là lý do Ngoại trưởng Mỹ đề nghị Ukraine đưa ra các đề xuất nói trên tại bàn đàm phán: Nga sẽ chấm dứt các hoạt động quân sự và cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, liệu Nga có nhượng bộ trong quá trình đàm phán hay không và liệu nước này có tin vào các cam kết của Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Nga cũng lo ngại rằng nếu vội vàng chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine và các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu không chịu dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thì họ sẽ bị thiệt hại nặng nề. Vì vậy, việc Putin sẽ tối đa hóa lợi ích của mình như thế nào trong quá trình đàm phán là một vấn đề quan trọng đáng để theo dõi.
Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã cố gắng áp đặt tối đa các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Tuy nhiên, cách thức này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Lý do: Nga là một quốc gia giàu năng lượng, có nguồn dự trữ năng lượng dồi dào và nhiều nguồn tài nguyên khác.
Các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây khó có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của Nga trong ngắn hạn. Ngược lại, trừng phạt không những gây tổn thất lớn cho các đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Âu, mà còn gây tổn hại nhất định đến vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng USD.
Do đó, Mỹ cho rằng, trừng phạt không những không thể hủy hoại nước Nga, mà còn có thể gây tổn hại đến lợi ích của chính họ. Vì vậy, Mỹ muốn tìm cách củng cố vị thế siêu cường của mình, đồng thời làm cho Nga phải tính đến việc rút khỏi Ukraine bằng phương thức đặc biệt nào đó.
Đối với Ukraine, kết thúc chiến tranh là lựa chọn tốt nhất. Nhiều thành phố hiện đã trở thành đống đổ nát và sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại. Dù các quan chức ở Brussels đã ra nghị quyết giúp Ukraine tái thiết các thành phố và đất nước, nhưng trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế chưa từng có, liệu họ có thực sự chi tiền để giúp Ukraine xây dựng lại đất nước hay không cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Vượt ngoài tầm kiểm soát
Cuộc chiến Ukraine được Nga lên kế hoạch cẩn thận, nhưng đã vượt tầm kiểm soát của họ. Mối hận thù giữa Nga và Ukraine do cuộc chiến gây ra có thể phải mất nửa thế kỷ hoặc lâu hơn mới phai nhạt. Mối quan hệ NATO - Nga liên tục căng thẳng, làm tổn hại đến quan hệ hợp tác năng lượng giữa Nga và các nước EU.
Tổng thống Putin cũng đang ở tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu Nga tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự, tất cả những nỗ lực trước đó sẽ bị uổng phí.
Tuy nhiên, nếu tiếp diễn, thì sức mạnh quốc gia của Nga sẽ không đủ để hỗ trợ một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. Putin phải lựa chọn thời điểm phù hợp để kịp thời củng cố vị thế của Nga và đảm bảo những lợi ích đạt được ở Ukraine không bị mất. Như vậy, có thể có một số khả năng như sau:
Thứ nhất, Putin có thể sẽ chủ trương tiến hành các cuộc đàm phán sao cho các thành phố ven biển ở miền Đông và miền Nam Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Nếu các cuộc bầu cử được tổ chức ở các khu vực do Nga kiểm soát và người Nga được bầu, thì Nga có thể yên tâm rút quân đội chính quy. Chỉ cần người Nga kiểm soát khu vực miền Đông Ukraine và các thành phố biên giới phía Nam, Nga sẽ có được vùng đệm chiến lược rộng ít nhất 500km2.
Thứ hai, chiến tranh đã khiến Nga bị tổn thất nặng nề. Dù chính sách tài chính có thể đảm bảo ổn định kinh tế trong nước và đồng rúp sẽ không tiếp tục mất giá, nhưng nếu các nước EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện, Nga sẽ mất đi một thị trường năng lượng quan trọng.
Nga hy vọng tìm được các đối tác ở khu vực châu Á và Ấn Độ dám vượt qua những trở ngại để tăng cường hợp tác năng lượng, nhưng EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất. Việc đánh mất thị trường châu Âu là tổn thất kinh tế đáng kể và Nga phải cố gắng đàm phán để giữ thị trường này.
Thứ ba, quan hệ Nga-Mỹ đã rạn nứt hoàn toàn và cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên có thể sẽ được mở rộng sang lĩnh vực không gian. Nga phải tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh và duy trì kho vũ khí hạt nhân trong điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là cách duy nhất giúp đảm bảo Mỹ sẽ không tấn công phủ đầu và gây thiệt hại nặng nề cho Nga.
Cuộc chiến đã rơi vào bế tắc và Nga phải vượt qua khó khăn để tiếp tục. Ukraine thậm chí sẽ phải trả giá cao hơn. Chính vì vậy, các bên cần một đề xuất sáng suốt về một lệnh ngừng bắn cho phép dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt có điều kiện đối với Nga nếu nước này kết thúc giao tranh, và tất nhiên, đi cùng với việc Ukraine nhượng bộ trước Nga một số vấn đề. Mọi chuyện không dễ dàng, song các phương án khác có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Việt Hoàng
Cuộc chiến Nga - Ukraine được xem là xung đột địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Nó có tác động mạnh, tạo nên bước chuyển mới trong cục diện quan hệ giữa 3 cường quốc Nga - Trung - Mỹ.