Đây là thông tin được tờ Guardian dẫn lời các quan chức cấp cao Ukraine. Một nguồn tin cho biết, Nga sẽ chỉ đồng ý đàm phán nếu nhận ra rằng Ukraine có thể “đe dọa tới thành phố Moscow và St. Petersburg”.
Các nguồn tin khác nhận định, việc sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ khiến Điện Kremlin lo ngại các cơ sở quân sự nằm gần thủ đô Moscow bị tấn công trực tiếp.
Tuy nhiên, chiến lược này của Ukraine tiềm ẩn rủi ro, và chưa nhận được sự chấp thuận từ phía Mỹ. Mặc dù tên lửa Storm Shadow là sản phẩm hợp tác giữa Anh - Pháp, nhưng một số linh kiện là do Mỹ cung ứng. Điều này có nghĩa việc cấp phép cho Ukraine sử dụng Storm Shadow cũng phải có ý kiến từ Nhà Trắng. Tuy nhiên, Mỹ cho đến nay vẫn từ chối lời đề nghị của Kiev do lo ngại xung đột leo thang.
Trên thực tế, suốt nhiều tháng qua, Kiev đã cố gắng thuyết phục các đồng minh phương Tây chấp thuận cho sử dụng Storm Shadow để tấn công các mục tiêu ở Nga, nhưng không thành công. Tuy nhiên, việc Nga ngày càng giành thế chủ động ở mặt trận phía đông Ukraine khiến niềm tin cho rằng phản công là lựa chọn tốt nhất cũng dần có động lực.
Hôm 12/8, giữa lúc quân đội Ukraine tấn công vùng Kursk của Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã lên tiếng hối thúc phương Tây cho phép sử dụng các loại vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga. Song cùng ngày, tờ Telegraph dẫn lời đại diện văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, Kiev chưa được London đồng thuận cho sử dụng Storm Shadow để tấn công Nga.
Tên lửa Storm Shadow mà Anh gửi cho Ukraine đã được sử dụng trong nhiều cuộc tấn công của Kiev nhằm vào các mục tiêu của Nga ở bán đảo Crưm. Tên lửa này có chiều dài 5,1m, sải cánh 3m, đường kính thân 0,48m, nặng 1,3 tấn, và phạm vi hoạt động hơn 250km. Giá của một tên lửa Storm Shadow là khoảng 1 triệu USD.