Xe tăng chủ lực bộc lộ “điểm yếu”
Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90 là cỗ máy tiên tiến nhất của Nga trong xung đột với Ukraine. Đối thủ cùng phân khúc với T-90 bao gồm M1 Abrams, Challenger-2 và Leopard-2.
Cho đến nay, blog theo dõi quân sự Oryx tổng hợp dựa trên hình ảnh trực quan, Nga đã mất 61 chiếc xe tăng T-90. Trong số này, 18 chiếc là biến thể T-90M hiện đại, được sản xuất với số lượng giới hạn. Tính tới thời điểm tháng 5 năm ngoái, Moscow được cho là chỉ sở hữu khoảng 100 xe tăng loại này.
T-90 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba với thân xe bọc giáp composite hàn và giáp phản ứng nổ Kontakt-5 tích hợp. Với biến thể T-90M, xe trang bị nâng cấp giáp phản ứng nổ (ERA) Relikt được thiết kế để giảm đáng kể tác động của các đạn vây xuyên giáp APFSDS.
Trong chiếc T-90M bị lực lượng Ukraine thu giữ vào tháng 9 năm ngoái cho thấy, cỗ tăng được trang bị vật liệu hấp thụ radar Nakidka (RAM), có tác dụng giảm tín hiệu hồng ngoại, radar và nhiệt phát ra từ xe.
Theo một số báo cáo, MBT thế hệ thứ ba của Nga còn trang bị hệ thống quang điện tử “Tshu-1-7-Shtora-1” với khả năng phá vỡ chỉ định laser và máy đo tầm xa của tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), cùng hệ thống quang điện gây nhiễu khi đối phương sử dụng dẫn đường bán chủ động.
Song việc phải chiến đấu trong địa hình đô thị đã làm giảm khả năng phát huy những thông số kỹ thuật hàng đầu của T-90. Không giống như khu vực cánh đồng trống, không gian đô thị làm giảm năng lực tác chiến tầm xa của xe tăng, đồng thời không thể phát huy thế mạnh về cơ động - trung tá Nektarios Papantoniou, điều phối viên quốc gia của Hy Lạp tại Trung tâm thử nghiệm và mô phỏng MBT, thuộc chương trình EU nhận định.
“Tiếp đến, mẫu xe tăng này dường như chỉ có thể đối phó với những loại ATGM cũ hoạt động theo đường thẳng, và kém hơn nhiều với những mối đe doạ mới chẳng hạn như tên lửa tấn công mang đầu đạn con hay các hệ thống sử dụng tín hiệu mã hoá”, Papantoniou cho biết.
Giới quân sự phương Tây nhận định T-90 là sản phẩm dựa trên mẫu T-72 cũ, do đó mang nhiều lỗi thiết kế của dòng tăng vốn được sử dụng từ thời chiến tranh Lạnh. Song, tại Ukraine, các đơn vị cơ giới hoá đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ tích hợp công nghệ mới như các drone tìm mục tiêu Switchblade và Lancet - những thứ vũ khí khắc tinh của hầu hết hệ thống chiến đấu lục quân hiện tại.
Xe tăng viện trợ chỉ có trang bị “cơ bản”
Trong khi đó, những mẫu MBT Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine phần lớn đều bị cắt giảm hệ thống phòng ngự chủ động - tính năng cực kỳ quan trọng để bảo vệ xe tăng và kíp lái khỏi những vũ khí chống tăng hiện đại.
Chẳng hạn, Mỹ chỉ gửi mẫu M1A2 SEP Abrams tương tự như bản xuất khẩu cho quân đội Iraq, trong khi Đức cung cấp phiên bản Leopard-1 A-5 cùng một số chiếc Leopard-2 A-4 và A-6. Còn chiến xa Challenger-2 của Anh thì quá nặng với trọng lượng lên tới 69 tấn, không phù hợp với tải trọng cầu đường ở Ukraine cũng như những con đường lầy lội.
Chưa kể, những nhà tài trợ chỉ trang bị giáp tích hợp NERA (giáp phản ứng không năng lượng) thay vì trang bị giáp phản ứng nổ trên những phiên bản xe tăng gửi đến Kiev. Trong khi đó, Nga đã trang bị các đầu đạn uranium cạn kiệt và vonfram trên những chiếc tăng chủ lực của họ.
Chiến trường Iraq và Syria chứng kiến mẫu tăng Abrams và Leopard bị phá huỷ bởi vũ khí chống tăng do Nga sản xuất. Lớp giáp của Mỹ và Đức dễ dàng bị hạ gục bằng những loại đạn cũ hơn sử dụng cơ chế xuyên giáp nổ, cũng đồng nghĩa họ đang gặp rủi ro ở Ukraine.
Từ năm 2017, Mỹ đã thiết kế loại giáp phản ứng mới có tác dụng làm chệch hướng đường đạn tấn công có tên “Angled Tiles” và đưa vào sử dụng trên Abrams vào năm 2019 triển khai ở châu Âu. Ngoài ra, cấu hình cao cấp nhất trên mẫu tăng chủ lực của Mỹ còn trang bị lớp giáp tăng cường uranium nghèo. Song, Washington không mạo hiểm gửi vũ khí hàng đầu của mình cho Kiev do lo sợ công nghệ rơi vào tay Moscow.
Trên thực địa, các lực lượng Ukraine đang sử dụng những lớp giáp phản ứng nổ tháo từ mô-đun những chiếc xe tăng Nga để trang bị cho các chiếc Leopard thiếu hụt lớp bảo vệ.
(Theo Eurasiantimes, ClearDefense)