Thoải mái “bán giấy thu tiền”

Từ năm 2018 đến nay, quy mô thị trường trái phiếu DN ngày càng phát triển. Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2018, các DN đã phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224 nghìn tỷ đồng, năm 2019 phát hành đạt 312 nghìn tỷ đồng, năm 2020 phát hành đạt 436 nghìn tỷ đồng và năm 2021 phát hành đạt 722,7 nghìn tỷ đồng. Thị trường trái phiếu DN tăng trưởng "nóng”, quy mô từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành trái phiếu DN. 

Có thể nói, phát hành trái phiếu đã giúp cho nhiều DN huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ổn định, để đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu DN được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn khi có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những DN này có năng lực tài chính yếu hơn đáng kể so với các DN đang niêm yết.

 Nhiều DN đã huy động trái phiếu với khối lượng lớn

Trong số trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, có tới quá nửa không có tài sản đảm bảo, hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính DN phát hành hay các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác. Nhiều DN đã huy động trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính, tạo ra tài sản ảo, không dựa trên thực lực của mình.

Hơn 2 năm qua, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia cũng gia tăng đáng kể. Họ không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các hoạt động giao dịch của các chủ thể không được niêm yết. Số lượng nhà đầu tư trái phiếu hiện là bao nhiêu, các cơ quan chức năng không nắm được hết. Nhà đầu tư cá nhân tham gia quá nhiều và DN phát hành quá nhiều, dẫn đến những rủi ro có thể xảy ra với thị trường trái phiếu DN. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo về đầu tư trái phiếu DN, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ, bởi nhận thấy nguy cơ lớn.

Việc quản lý không chặt với hoạt động hành trái phiếu DN, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ, đã làm thị trường “tăng trưởng nóng”. Không ít DN đã thành lập riêng phòng phát hành để bán trái phiếu, thay vì bán hàng. Do việc phát hành trái phiếu DN quá dễ dàng dẫn đến hiện tượng nhiều DN đua nhau “bán giấy thu tiền”.

“Trái đắng” DN?

Hệ thống pháp luận hiện đưa ra hai phương thức quản lý giám sát khác nhau, với hai hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng và riêng lẻ. Theo đó, DN muốn phát hành trái phiếu ra công chúng phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép và phải được xếp hạng tín nhiệm. Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế, tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm… 

Còn phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. DN không cần phải xếp hạng tín nhiệm, chỉ cần đáp ứng các điều kiện phát hành, tuân thủ các quy định về phát hành trái phiếu, đồng thời phải thông tin minh bạch, đầy đủ theo quy định pháp luật cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các DN đã lách luật để biến những nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp rất dễ dàng. Theo quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Với cá nhân, phải nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng. 

Để “hô biến” một người không có trình độ và không am hiểu thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà phát hành sẽ thực hiện như sau: Khi ký hợp đồng mua trái phiếu DN, công ty phát hành sẽ chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ, “hỗ trợ” người mua thành nhà đầu tư chuyên nghiệp rồi chuyển vào tài khoản người mua trái phiếu 2 tỷ đồng và đóng băng tài khoản lại, không cho rút tiền ra. Sau khi hoàn tất thủ tục và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty phát hành sẽ rút 2 tỷ đồng ra khỏi tài khoản.

 

Quy định DN phát hành trái phiếu riêng lẻ không phải xếp hạng tín nhiệm, được cho là thiếu chặt chẽ về quản lý. Thị trường trái phiếu DN đã phát triển nhưng yêu cầu xếp hạng tín nhiệm DN không đặt ra, làm giảm đi sự minh bạch. 

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, cho biết, “chúng tôi đã tham khảo mô hình từ Malaysia và Hàn Quốc để xây dựng văn hóa minh bạch trên thị trường và nhận thấy rằng, tất cả các DN muốn phát hành trái phiếu, đều cần phải xếp hạng tín nhiệm. Bởi đây là cơ sở giúp cho các nhà đầu tư có thể đánh giá một cách chính xác và đem đến sự lành mạnh cho thị trường”.

Đầu tư trái phiếu DN có nhiều rủi ro, vì vậy xếp hạng tín nhiệm của DN phát hành là rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty FiinGroup, căn cứ vào biểu đồ “Tỷ lệ vỡ nợ tích lũy trung bình của trái phiếu DN toàn cầu từ năm 1981” cho thấy, xác suất vỡ nợ của các DN có tín nhiệm từ hạng CCC tới C trong 30 năm qua là trên 50%, còn hạng BB và BBB khoảng15-17%. Để so sánh, có thể nhìn vào thị trường trái phiếu của Thái Lan sẽ thấy, hầu hết các DN hạng C đều phá sản, có DN chỉ sau 3 năm đã vỡ nợ. Thậm chí, các DN hạng B cũng phá sản vô cùng chóng vánh. Với Việt Nam cũng như vậy, nếu đầu tư trái phiếu DN, cần hết sức lưu ý về xếp hạng tín nhiệm của DN phát hành.

Giới chuyên môn cũng cho rằng,  những quốc gia có thị trường trái phiếu DN phát triển, bất cứ DN nào muốn phát hành trái phiếu đều phải xếp hạng tín nhiệm. Trong khi mức độ minh bạch thông tin của nhiều DN Việt Nam hiện không cao. Nhiều DN ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến thị trường trái phiếu DN có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Như vậy rủi ro là khó tránh khỏi.

Trần Thủy

Vụ 10.000 tỷ của Tân Hoàng Minh, nỗi lo chiếm đoạt tiền từ trái phiếu DNQua vụ việc Tân Hoàng Minh, những nghi ngờ của giới chuyên môn giờ đã thành hiện thực. Đó là sự mập mờ, thiếu minh bạch, và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, thông qua phát hành trái phiếu DN.