Liên tiếp những ngày qua, nhiều phụ huynh tại TP.HCM trở thành nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại. Bằng một cách nào đó, kẻ gian có được số điện thoại của cả cha và mẹ học sinh, thông tin lớp học, trường học và tên tuổi các em.
Mạo nhận là thầy cô giáo hoặc nhân viên của trường học, kẻ gian gọi cho phụ huynh, thông báo các con đang cấp cứu cần phẫu thuật gấp. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền ngay để bác sĩ thực hiện phẫu thuật.
Các cuộc điện thoại đều diễn ra trong giờ học nên phụ huynh khó liên lạc được với giáo viên chủ nhiệm. Vì lo cho con, nhiều người vội vã chuyển tiền vào tài khoản kẻ gian từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng. Một số người bình tĩnh đến tận bệnh viện tìm con hoặc chờ xác nhận từ giáo viên nên thoát bẫy.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho hay ngày 6/3, ông nhận điện thoại của phụ huynh hỏi tình hình bệnh nhi đang cấp cứu. Tuy nhiên, không có trẻ nào như thông tin gia đình cung cấp.
“Kẻ gian gọi cho cha của học sinh báo tin con bị nạn. Người cha đã đọc tin trên báo chí nên đòi báo công an. Thấy lừa đảo không thành, kẻ gian gọi cho người mẹ. Người mẹ quá lo lắng nhưng không có tiền chuyển khoản ngay nên gọi điện thoại cho tôi để hỏi tình hình. Khi đó, chị mới biết mình bị lừa. Phụ huynh lưu ý Bệnh viện Nhi đồng 1 tuyệt đối không yêu cầu bệnh nhân và gia đình đóng tiền trước rồi mới cấp cứu. Chúng tôi đặt tính mạng bệnh nhi lên trên hết và trước hết”, bác sĩ Phương nói.
Tại sao kẻ gian có thông tin của học sinh?
Theo dõi thông tin những ngày qua, chị Trần Thị Thục Anh (40 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết chị có con đang học mầm non nên rất lo lắng với chiêu lừa đảo trên. Theo phụ huynh này, thông tin cá nhân của các em đã bị lộ nên kẻ gian mới có thể lợi dụng.
“Số điện thoại của cha, mẹ, tên tuổi, lớp học của các con đều chính xác, vậy nguyên nhân do đâu? Đúng là phụ huynh đã mất cảnh giác, cả tin nên mất tiền nhưng cần làm rõ ai đã để lộ thông tin”, chị nói.
Cùng quan điểm, nhiều bạn đọc của VietNamNet đặt câu hỏi, liệu có nguy cơ thông tin cá nhân của các em, đặc biệt là học sinh các trường quốc tế, đã bị "hack" hay bán ra bên ngoài không?
Một bạn đọc khác cho rằng tình trạng sim rác đã giúp kẻ gian lợi dụng lừa đảo người dân. “Từ số điện thoại, số tài khoản nhận tiền của kẻ lừa đảo, hy vọng cơ quan công an sớm tìm ra và xử lý đích đáng”, bạn đọc này bày tỏ.
Ngoài ra, bạn đọc Hoàng Linh nhận định cách thức lừa đảo này có nhiều sơ hở, chủ yếu đánh vào tâm lý hoang mang của phụ huynh. Theo đó, nếu học sinh gặp sự cố, nhà trường sẽ liên hệ ngay lập tức với cha mẹ. Để can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân phải cần có người nhà ký bảo lãnh. Đồng thời, tài khoản chuyển tiền phải là tài khoản của bệnh viện, không thể là của cá nhân hay tổ chức khác.
Trước tình trạng này, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo nếu gặp trường hợp tương tự, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài qua số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0. Sau đó, báo tổng đài viên kết nối đến khoa/phòng điều trị có liên quan để xác nhận thông tin người nhà nằm viện, các khoản viện phí, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.
Sở GD&ĐT TP.HCM và các trường học cũng cảnh báo đến phụ huynh, giáo viên về tình trạng trên. Khi nhận được những cuộc gọi tương tự, phụ huynh nên liên lạc với nhà trường hoặc bệnh viện qua các đường dây nóng để kiểm định thông tin.
Cơ quan này cũng lưu ý các trường hướng dẫn phụ huynh nhận điện thoại lừa đảo và chuyển khoản mất tiền cần trình báo với cơ quan công an. Trên cơ sở các trường báo cáo, khi có dấu hiệu lừa đảo, sở sẽ chuyển thông tin đến Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, các vụ việc phụ huynh bị lừa chuyển khoản có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có tổ chức, âm mưu bàn bạc và có tính chất chuyên nghiệp, thậm chí có yếu tố nước ngoài. "Do vậy, cơ quan điều tra, Cục cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao cần vào cuộc điều tra. Nếu có dấu hiệu tội phạm, cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định nhằm tránh có các nạn nhân tiếp theo", luật sư Hùng nói. |