Thời gian gần đây, trên các trang Facebook, hội nhóm ở Đà Nẵng liên tục xuất hiện các bài đăng với nội dung kêu gọi giúp đỡ một sinh viên quê Quảng Ngãi đang cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bài đăng này kể về hoàn cảnh rất thương tâm của một sinh viên khoa y tại một trường đại học ở Đà Nẵng. Mẹ mất sớm, em đang trên đường về quê thăm cha mắc ung thư giai đoạn cuối thì gặp tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não, không có kinh phí chữa trị. Đính kèm bài đăng là số tài khoản nhận tiền giúp đỡ.
Để tạo lòng tin, các đối tượng đã để tên nhân vật trong bài đăng và chủ tài khoản nhận tiền trùng nhau. Ngoài ra, dưới các bài viết, chia sẻ có nhiều tài khoản ảo tương tác, bình luận bày tỏ mong muốn giúp đỡ. Trong loạt tài khoản đăng bài có cả một trang lấy tên ni sư, với hơn 1.000 người thích, theo dõi. Trang này thường xuyên đăng tải câu chuyện về những hoàn cảnh khó khăn sau đó xóa, đăng bài viết khác. Dù hoàn cảnh kêu gọi khác nhau nhưng số tài khoản nhận tiền trong các bài viết lại trùng khớp nhau.
Ông Nguyễn Đình Quốc, Phó trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết thông tin chia sẻ về hoàn cảnh bệnh nhân như trên là không có thật. Qua xác minh, Bệnh viện Đà Nẵng không có trường hợp người bệnh nào như mô tả.
Cũng theo ông Quốc, nội dung hoàn cảnh kêu gọi này đã được các đối tượng kêu gọi chia sẻ trên mạng xã hội từ cuối năm 2023 đến nay. Phòng công tác xã hội đã nhận được nhiều cuộc gọi để xác minh liên quan chiêu lừa đảo trên mạng này. Khi phát hiện thông tin, Bệnh viện Đà Nẵng đã cảnh báo tình trạng giả mạo kêu gọi giúp đỡ, khuyến cáo mọi người cẩn thận để tránh bị lợi dụng.
“Ngoài cảnh báo, chúng tôi còn đấu tranh ngay dưới bài đăng của các đối tượng lừa đảo nhưng thường các bình luận này sẽ bị đối tượng xoá hoặc cho ra khỏi nhóm. Chính vì thế, mọi người hãy cảnh giác, nên liên hệ với bệnh viện để xác minh trước khi muốn giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu”, ông Quốc nói.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Đà Nẵng) đã phát hiện một trường hợp đăng tải các bài viết kêu gọi thiện nguyện để trục lợi. Bằng nhiều thủ đoạn vợ chồng Nguyễn Linh Đoan, Phạm Thị Quyên trú ở khu vực phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đã chiếm đoạt số tiền hơn 90 triệu đồng do nhiều cá nhân chuyển về đóng góp.
Qua điều tra, Nguyễn Linh Đoan (chồng của Quyên) đã sử dụng mạng xã hội Facebook tìm kiếm, sao chép các bài viết chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... rồi sử dụng những tài khoản ảo do đối tượng lập ra để đăng lại trên các hội nhóm mạng xã hội, kêu gọi quyên góp tiền từ thiện. Đồng thời, Đoan cũng thêm những số tài khoản của bố vợ, mẹ vợ, em vợ (đều do Quyên quản lý sử dụng) và số tài khoản của Quyên để nhận tiền từ thiện. Toàn bộ số tiền lừa đảo được, các đối tượng đều sử dụng để tiêu xài cá nhân.