Ý nghĩa lớn
Năm 2023, Việt Nam đón tiếp nguyên thủ, lãnh đạo của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Đức, Hàn Quốc, Australia, Kazakhstan, Hà Lan, Malaysia…
Khi đặt chân đến Việt Nam, bên cạnh lịch trình chính thức, chính khách nước ngoài rất hứng thú dạo phố, ngồi quán vỉa hè nhâm nhi ly cà phê, uống bia hơi, thưởng thức bánh mì…
Chính khách nước ngoài cùng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam dạo phố, hòa mình vào những hoạt động bình thường trở thành hình ảnh quen thuộc. Thậm chí, cứ mỗi khi có chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, người dân lại được dịp “đồn đoán” xem vị lãnh đạo này sẽ có trải nghiệm văn hóa, ẩm thực gì ở Việt Nam.
Cuối tháng 11/2023, trong chuyến thăm lần thứ ba tới Việt Nam, dù lịch trình dày đặc, bận rộn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian cùng đạp xe dạo phố để cảm nhận mùa thu Hà Nội.
Hai Thủ tướng cùng đoàn tháp tùng đi qua đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ và Tôn Thất Đàm. Trên hành trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Mark Rutte về cảnh đẹp và các công trình lịch sử của Hà Nội. Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng với vẻ đẹp kết hợp giữa hiện đại và cổ kính của Hà Nội.
Người dân dọc các tuyến đường thích thú trước hình ảnh lạ lẫm nhưng có phần đáng yêu, thân thiện của hai Thủ tướng.
Là người trực tiếp đạp xe cùng hai Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chia sẻ với VietNamNet: “Tôi đạp xe ngay phía sau hai Thủ tướng, đó là những giờ phút thực sự cảm động bởi văn hóa đạp xe được hai nhà lãnh đạo truyền cảm hứng ngay trên đường phố Hà Nội”.
Nhiều người tinh ý đã nhận ra những chiếc xe đạp đặc biệt mà hai Thủ tướng đi là loại xe đạp công cộng đang được sử dụng trong dự án Xe đạp đô thị của thành phố Hà Nội. Dự án Xe đạp đô thị được UBND TP Hà Nội phối hợp với một doanh nghiệp thực hiện, nhằm giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng, thay đổi thói quen đi lại để góp phần bảo vệ môi trường.
Trên những chiếc xe có gắn logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan, với hình hoa sen và hoa tulip cách điệu.
Hình ảnh hai Thủ tướng cùng đạp xe đã truyền tải đi thông điệp kép, trước hết là sự “xanh hóa” trong giao thông, giao thông sạch, giảm thiểu ùn tắc, tốt cho sức khỏe. Ông Ngô Hướng Nam cho biết, hoạt động này mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Và Việt Nam có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm trong quản lý giao thông, phát triển năng lượng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu của Hà Lan.
Thủ tướng Mark Rutte bày tỏ ấn tượng về một Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử hơn nghìn năm với những nét văn hóa đa sắc màu, riêng biệt vừa cổ kính vừa hiện đại. Đây chính là thông điệp thứ hai, cũng là điều mà nhiều vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước và nhất là hàng triệu du khách từng trải nghiệm.
Tháng 7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã mời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân cùng thăm Phố Sách Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Cùng xem sách, bên ly cà phê Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Malaysia về truyền thống văn hóa, hiếu học và văn hóa đọc của người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu và tặng Thủ tướng Anwar Ibrahim tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” và cuốn sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của nhà văn hóa Hữu Ngọc.
Kể lại với VietNamNet hoạt động thú vị này, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh cho biết, Thủ tướng Anwar Ibrahim khi mới lên nhậm chức đánh giá rất cao Việt Nam về sự phát triển đột phá, năng động về kinh tế và đặc biệt rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Thủ tướng Malaysia từ khi còn trẻ đã có những giai đoạn chính trị với nhiều thăng trầm.
Với Việt Nam, Bác Hồ là một biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc. Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng muốn Malaysia đoàn kết để phát triển đất nước.
Đại sứ cho biết: “Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều ấn tượng với Thủ tướng Malaysia. Do vậy, sau khi tìm hiểu, nắm bắt, Đại sứ quán và các đơn vị Bộ Ngoại giao đã có ý tưởng nhân chuyến thăm Phố Sách sẽ giới thiệu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Malaysia”. Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng lên kế hoạch để tổ chức lịch trình này và những cuốn sách dự kiến để tặng Thủ tướng Malaysia.
Đại sứ Đinh Ngọc Linh cho rằng đây là hoạt động tinh tế, sáng tạo, đáp ứng đúng nhu cầu của lãnh đạo hai nước. “Thăm Phố Sách là hoạt động mới của đối ngoại cấp cao, vừa cho thấy văn hóa đọc của người Việt vừa thể hiện sự kết nối thân tình bình dị từ trái tim đến trái tim giữa lãnh đạo hai nước”, Đại sứ chia sẻ.
Đến tận bây giờ sau vài tháng kết thúc chuyến thăm Việt Nam, mỗi khi gặp lại lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Malaysia đều nhắc đến cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản tại Nhật Bản (17/12/2023), Thủ tướng Anwar Ibrahim cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính và cho biết đang cho dịch một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Malaysia.
Nhận diện Việt Nam
Những hoạt động dạo phố, trải nghiệm văn hóa có thể chỉ là những “lịch trình phụ” trong hoạt động dày đặc khi lãnh đạo nước ngoài đến thăm nước ta. Nhưng sự mới mẻ này sẽ tạo hiệu ứng tích cực và truyền tải thông điệp về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, hiếu khách ra bạn bè thế giới.
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) nói với VietNamNet, nhìn lại thời gian gần đây ngoại giao văn hóa cấp cao đang phát huy hiệu quả và có sự lan tỏa lớn.
“Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng thưởng thức các loại trà nổi tiếng của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Mỹ Joe Biden cuốn sách ‘Một con người, một con đường và một lịch sử: HỒ CHÍ MINH - THƯ GỬI NƯỚC MỸ’, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Nhật Bản tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách của Tổng Bí thư về CNXH cho Chủ tịch Quốc hội Cuba… nhận được rất nhiều sự chú ý không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế, các nước láng giềng, các nước quan tâm đến quan hệ với Việt Nam”, ông Hoàng Hữu Anh đánh giá.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO nhấn mạnh rằng, qua các hoạt động đó cho thấy thông điệp của Việt Nam phát đi mạnh mẽ. Những hình ảnh bình dị, thân thuộc đó cho thấy rõ chủ trương của Việt Nam mong muốn hợp tác chân thành, hiệu quả với các đối tác.
Ông Hoàng Hữu Anh cho biết đây là một cách để phát triển “sức mạnh mềm” quốc gia vô cùng hữu hiệu. Không chỉ gắn kết cá nhân các lãnh đạo với nhau mà rộng hơn còn tăng cường hiểu biết giữa người dân Việt Nam với người dân các nước.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO (Paris, Pháp) cho rằng, những hoạt động trải nghiệm tại Việt Nam của chính khách thực sự là dịp để bạn bè quốc tế được hiểu sâu hơn về Việt Nam, thấy được nét đặc trưng văn hóa, lối sống thường nhật cho đến phong tục tập quán của người Việt Nam.
“Bạn bè quốc tế được nghe nhiều rồi nhưng được đến tận nơi, trải nghiệm tận nơi, tham gia trực tiếp thì mới thấy được nét đẹp, bề sâu của văn hóa, con người Việt Nam. Ngoài ra, còn thấy được sự hiếu khách, thịnh tình, chân thành của người Việt Nam. Và mới cảm nhận được Việt Nam thực sự là đất nước của đổi mới, của hội nhập, của sự năng động nhưng vẫn giàu bản sắc truyền thống. Đây chính là điều làm nên ‘sức mạnh mềm’ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân phân tích.
Không giống như các nguồn sức mạnh cứng vật chất, hữu hình như quân đội, vũ khí, quy mô lãnh thổ và dân số, kinh tế tăng trưởng… các tài sản vô hình như văn hóa, truyền thống, giá trị tư tưởng đang ngày càng có ảnh hưởng hơn.
Những quốc gia phát triển có nhiều điểm giống Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản không chỉ sở hữu sức mạnh cứng hữu hình, mà còn có nền văn hóa có ảnh hưởng bao gồm âm nhạc, phim ảnh, phong tục tập quán, các hình thức nghệ thuật, lối sống….
Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được.