Theo quyết định, chủ đầu tư dự án là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về quy mô, nội dung đầu tư, Quyết định nêu rõ, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, bao gồm: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thuê hạ tầng truyền dẫn; xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và các yêu cầu chức năng, nghiệp vụ của ngành Công an phục vụ thu thập, cập nhật thông tin; tổ chức thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân; đào tạo về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo sử dụng phần mềm ứng dụng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý dân cư trên toàn quốc.
Tổng mức đầu tư của dự án sau thuế là hơn 3.085 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2021.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an căn cứ chủ trương đầu tư, khẩn trương thực hiện các quy trình quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định, đạt mục tiêu dự án; bảo đảm nguồn vốn được sử dụng theo tiến độ, đúng mục đích, hiệu quả và minh bạch. Trong quá trình thiết kế chi tiết, Bộ Công an thực hiện rà soát, tận dụng các nền tảng kỹ thuật công nghệ, hạ tầng dùng chung, cập nhật các chính sách, đơn giá để điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ vốn còn lại của dự án trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành cần bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thành việc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân quy định tại các nghị quyết của Chính phủ.
Trong quá trình đề xuất xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cần tính toán, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin công dân, tránh tình trạng đầu tư trùng lặp và yêu cầu thông tin công dân nhiều lần.
Phó Thủ tướng lưu ý, quá trình thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu mới. Các bộ, ngành, địa phương nào đã có hạ tầng rồi thì tạo sự tương thích với hạ tầng của Bộ Công an để tích hợp các trường thông tin, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí trong quá trình thực hiện.
Việc cấp số định danh cá nhân không nên làm ào ào như kiểu chiến dịch, mà gắn với công việc hằng ngày của cơ quan và các cấp chính quyền địa phương, bộ ngành như kết hợp với Tổng điều tra dân số toàn quốc từ 1/4/2019 tới đây, rồi công việc thường xuyên về hộ tịch của ngành tư pháp, cũng như của các bộ ngành khác…
Về việc có thu phí khi khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, chỉ tính toán thu phí đối với các doanh nghiệp, thương mại.