Theo hãng thông tấn Vox, mối đe dọa đóng cửa dường như luôn rình rập chính phủ liên bang Mỹ mỗi năm. Điều này bắt nguồn từ việc Hiến pháp Mỹ quy định, quốc hội nắm quyền quyết định về tài chính cho hoạt động hàng năm của các cơ quan hành pháp liên bang.
Nếu lưỡng viện quốc hội cho rằng các chính sách công của chính phủ có vấn đề, và việc phân bổ ngân sách hiện tại không hiệu quả, họ có thể phủ quyết kế hoạch ngân sách do chính phủ đề xuất. Ngược lại, chính phủ liên bang cũng có thể đóng cửa để gây áp lực khi đàm phán với quốc hội nhằm buộc các nhà lập pháp phải chấp thuận những dự toán tài chính của mình.
Do đó, nếu xảy ra tranh cãi và Quốc hội Mỹ không thông qua những khoản phân bổ ngân sách kịp thời, các cơ quan chính phủ sẽ phải tạm thời đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc hoặc trì hoãn dịch vụ vì hết tiền hoạt động. Trong 50 năm qua, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa tới 21 lần dưới thời 7 tổng thống khác nhau.
Bất đồng sâu sắc
Giới quan sát lưu ý, các nghị sĩ phải thông qua 12 dự luật ngân sách khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan liên bang và quá trình này tốn nhiều thời gian. Mối đe dọa đóng cửa chính phủ liên bang gia tăng là dấu hiệu cho thấy mức độ phân cực ngày càng lớn trong lưỡng viện quốc hội cũng như giữa hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ tại cơ quan lập pháp.
Thượng viện Mỹ nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Dân chủ, hôm 28/9 bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa. Dự luật gia hạn ngân sách liên bang đến ngày 17/11, trong đó cấp 6 tỉ USD viện trợ cho Ukraine và 6 tỉ USD cho các hoạt động cứu trợ thảm họa trong nước. Tuy nhiên, dự luật của Thượng viện đã bị Hạ viện nằm dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa (GOP) bác bỏ.
Trong khi, Hạ viện dự kiến tiến hành bỏ phiếu phê duyệt biện pháp tài trợ ngắn hạn của riêng họ, tập trung cho các lĩnh vực an ninh nội địa, quốc phòng, nông nghiệp, ngoại giao và các hoạt động quân sự đối ngoại.
Tính tới ngày 29/9, đề xuất về chi tiêu cho nông nghiệp đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Hơn nữa, Thượng viện nhất quyết phản đối biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới như đề xuất của phe GOP.
Theo tờ Washington Post, tình trạng bế tắc ngân sách hiện tại cũng một phần do sự chia rẽ nghiêm trọng ngay trong nội bộ đảng GOP về vấn đề thuế và chi tiêu chính phủ, kể cả việc có nên phê duyệt thêm gói viện trợ bổ sung cho Ukraine hay không.
Các nguồn thạo tin tiết lộ, 3 trong số các dự luật của Hạ viện liên quan đến quốc phòng, hoạt động quân sự đối ngoại và nông nghiệp hiện không nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghị sĩ GOP.
Mâu thuẫn nội bộ của đảng cũng đang đe dọa vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ông McCarthy đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nghị sĩ GOP cực hữu khi đạt thỏa thuận với Tổng thống Dân chủ Joe Biden hồi tháng 5 nhằm nới trần nợ công, tránh tình trạng đất nước vỡ nợ.
Viễn cảnh tồi tệ
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lập pháp lưỡng đảng chịu thỏa hiệp với nhau để phê duyệt ngân sách cho chính phủ liên bang kịp thời hạn nửa đêm ngày 30/10, thời điểm bắt đầu năm tài chính mới ở Mỹ. Điều đó khiến Chính phủ Mỹ nguy cơ cao phải đóng cửa lần thứ 4 trong thập kỷ qua.
Kịch bản tồi tệ này đồng nghĩa, hơn 400 cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ làm và hàng loạt dịch vụ công phải tạm dừng hoặc gián đoạn hoạt động.
Hàng triệu nhân viên liên bang đảm trách các công việc thiết yếu, bao gồm cả 2 triệu binh sĩ và lính dự bị, vẫn tiếp tục làm việc nhưng tạm thời không được nhận lương cho đến khi Quốc hội phê duyệt ngân sách mới.
Ngoài ra, đóng cửa còn dẫn đến việc đình chỉ vô thời hạn việc công bố các dữ liệu kinh tế then chốt của đất nước, kể cả thống kê về việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng, vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư.
Cả hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s và Fitch đều cảnh báo mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ sẽ chịu tác động tiêu cực nếu phải đóng cửa. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính, tăng trưởng GDP quý 4 năm nay của Mỹ sẽ giảm 0,2% mỗi tuần nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài.
Ông McCarthy quả quyết, các nhà lập pháp lưỡng đảng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hóa giải thế bế tắc hiện tại, vì việc chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa một phần hay toàn bộ “không có lợi cho bất kỳ ai”.