Những ý tưởng chưa đủ kinh phí để triển khai ngay, nhưng sau quá trình thẩm định, xét duyệt, nếu thực sự có tiềm năng và hiệu quả cao sẽ có thể nhận được kinh phí tài trợ lên tới 1 tỷ đồng từ phía Chính phủ.
Các tài năng trẻ đoạt giải 'Quả cầu vàng' tại buổi giao lưu tối 29/12. Ảnh: Trọng Cầm. |
Phát biểu tại Lễ trao giải Khoa học Kỹ thuật thanh niên “Quả cầu vàng 2011” chiều 29/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện chương trình đề xuất những đề tài tiềm năng này đang được Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng và triển khai. Đây là sự trả lời từ phía Chính phủ cho câu hỏi lớn: “Những người được giải có thể tiến xa hơn trong công tác nghiên cứu bằng cách nào?”.
“Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các tài năng trẻ”, Phó Thủ tướng chia sẻ. Đồng thời, sau lễ trao giải năm nay, mỗi người được giải sẽ có thể nêu ra một yêu cầu, kiến nghị hoặc đề đạt sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để có thể tiếp tục phát triển các nghiên cứu khoa học của mình hơn nữa. Những đề xuất này sẽ được chuyển cho các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Thông tin – Truyền thông xử lý. Trong trường hợp chưa có cơ chế hỗ trợ giống như đề xuất, Phó Thủ tướng có thể trực tiếp xin ý kiến Chính phủ để xây dựng cơ chế mới.
“Chính những lúc kinh tế càng khó khăn như hiện nay, chúng ta càng cần phải tìm cách phát triển khoa học – công nghệ và nghiên cứu. Vì thế, Chính phủ sẵn sàng đối thoại hơn nữa với các tài năng trẻ”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Quả cầu vàng 2011
Năm nay là năm đầu tiên giải thưởng này được mở rộng thêm 3 lĩnh vực mới, bên cạnh lĩnh vực CNTT truyền thống, là Công nghệ Y-Dược, Công nghệ Sinh học và Công nghệ Môi trường. Theo Hội đồng giải thưởng, 10 cá nhân đã được trao giải nhờ những thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, công tác, đã có các công trình nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật nổi bật, mang giá trị khoa học hoặc ý nghĩa thực tiễn lớn.
Người trẻ tuổi nhất đoạt giải là em Nguyễn Vương Linh, sinh năm 1993, sinh viên ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia HN, người đã đạt giải Nhất kỳ thi Quốc gia lớp 12 môn tin học (2010-2011) và đem về cho Việt Nam tấm huy chương Vàng Olympic Tin học Quốc tế sau 8 năm chờ đợi.
Một số cá nhân đoạt giải nhờ những nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn quan trọng như Tiến sỹ Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên Đại học Y-Dược TP.HCM, người đã cùng nhóm nghiên cứu tìm ra một chế phẩm điều trị viêm xoang mũi hoàn toàn mới trên thế giới với giá thành rẻ hơn 7 lần so với hiện nay.
Trong lĩnh vực Sinh học, anh Ngô Minh Long, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã có sáng kiến về kỹ thuật sản xuất Bưởi Hồ Lô, giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế gấp 9-25 lần so với trồng bưởi 5 roi. (Hiện giá bán trên thị trường của một cặp bưởi Hồ Lô lên tới 10 triệu đồng, trong khi giá bán của bưởi năm roi chỉ khoảng vài chục nghìn đồng).
Tiến sỹ Hoàng Văn Sâm, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐH Lâm Nghiệp đã chủ trì 6 đề tài nghiên cứu, bao gồm cả đề tài cấp Nhà nước và phát triển một công thức mới về nghiên cứu bảo tồn thực vật là “Chỉ số sử dụng tài nguyên rừng”. Anh cũng chính là người đã xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học Việt Nam gồm thông tin của hơn 1000 loài và 3000 hình ảnh.
Giải thưởng dành cho các cá nhân được giải năm nay lên tới 40 triệu đồng/người, cao gấp 4 lần so với năm ngoái. “Điều này thể hiện sự ghi nhận của không chỉ Nhà nước mà còn từ phía Doanh nghiệp và xã hội đối với các tài năng trẻ”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Tăng cường vai trò truyền thông khoa học
Ngày 29/12, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1638/QĐ-BKHCN giải thưởng báo chí viết về khoa học và công nghệ năm 2012.
Đây là giải báo chí đầu tiên được tổ chức nhằm vinh danh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc về khoa học công nghệ của công dân Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giải thưởng này sẽ được định kỳ tổ chức hàng năm.
Gải thưởng này là động lực cho các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về khoa học và công nghệ, là đòn bẩy thúc đẩy đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào đời sống sản xuất, kinh doanh.
Trọng Cầm
Danh sách 10 tài năng trẻ nhận giải Quả cầu vàng 2011: 1. TS Hoàng Văn Sâm (1977), Giám đốc TT Đa dạng sinh học, trường ĐH Lâm nghiệp. 2. TS Nguyễn Trọng Nghĩa (1979), Phó Trưởng khoa Công nghệ Hóa học Môi trường, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. 3. PGS-TS. Lê Thanh Hương (1976), Giảng viên Viện CNTT, trường ĐH Bách Khoa Hà nội. 4. Nguyễn Vương Linh (1993), sinh viên ngành Khoa học máy tính, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà nội. 5. TS.Cao Tuấn Dũng (1977), Phó trưởng Bộ môn CNPM Viện CNTT, trường ĐH Bách Khoa Hà nội. 6. Bác sĩ, Ths.Kiều Văn Khương (1976), Bệnh viện 103, Học viện Quân y, Bộ Quốc Phòng. 7. TS. Đỗ Thị Hồng Tươi (1981), Khoa Dược, ĐH Y - Dược TP.Hồ Chí Minh. 8. Dược sỹ Lê Anh Huy (1978), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco. 9. Kỹ sư Ngô Minh Long (1977), Phòng NN&PTNT Hậu Giang. 10. Kỹ sư Tô Thị Nhã Trầm (1983), Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh. |