Chiều ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp 8, Quốc hội khóa 15.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến kỳ họp 8 của Quốc hội khai mạc vào ngày 21/10, bế mạc vào ngày 28/11 (làm việc 24 ngày).
Tổ chức kỳ họp theo 2 đợt
Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức kỳ họp theo 2 đợt, do nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp.
Theo đó, đợt 1 Quốc hội làm việc trong 15 ngày (từ 21/10 - 8/11). Tại đợt họp này, Quốc hội chủ yếu thảo luận các nội dung trình biểu quyết thông qua và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2, họp 9 ngày (từ 18/11 - 28/11), Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết; thảo luận ở tổ và hội trường một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho hay, trường hợp có dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thì thời gian tiến hành kỳ họp sẽ tăng thêm từ 1 - 2 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30/11.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ tán thành với việc tổ chức kỳ họp thành 2 đợt như đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đồng tình với việc tổ chức kỳ họp thành 2 đợt. Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án một luật sửa một số điều của nhiều luật nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Không báo cáo riêng kết quả xử lý dự án yếu kém ngành Công Thương
Tổng Thư ký Quốc hội cũng báo cáo một số nội dung trong nghị quyết của Quốc hội có yêu cầu phải báo cáo Quốc hội.
Trong đó, ông Cường đề cập đến báo cáo Quốc hội về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương đã được Chính phủ lồng ghép báo cáo tại các báo cáo về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề, chất vấn…
Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất không đưa nội dung này thành một nội dung báo cáo riêng tại kỳ họp của Quốc hội mà sẽ lồng ghép trong các báo cáo nêu trên.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 8 là về việc thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Nội dung này được quy định trong Nghị quyết số 104 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 142 kỳ họp 7, Quốc hội đã quy định một số chính sách về thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7 và yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp 9 (tháng 5/2025).
Do đó, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị thực hiện báo cáo nội dung về cải cách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 142 vào kỳ họp 9 thay vì vào kỳ họp 8.
Nhấn mạnh tinh thần chuẩn bị kỳ họp “từ sớm, từ xa”, đảm bảo chất lượng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan bám sát chương trình, gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội trước 20 ngày theo quy định, tránh tình trạng gửi tài liệu chậm như vừa qua.