Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan tới chính sách hạn điền, tín dụng… gây khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ quyết nghị hướng xử lý.

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}

Trong quý 3 năm 2017, các bộ phải trình đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3 năm 2017.

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, ban hành trước ngày 15/3/2017.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình tín dụng này.

Trước đó, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, việc chưa có tiêu chí rõ ràng về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch… và thiếu các văn bản hướng dẫn về giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… đang là điểm nghẽn lớn trong việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, vẫn còn hàng loạt điểm nghẽn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó trước hết và quan trọng nhất là đất đai. Cụ thể, đó là những vướng mắc liên quan tới hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng hằng năm từ lúa sang các loại cây khác…

Hiện, Chính phủ đang hết sức quyết liệt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngày 10/3, chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngay trong tuần tới tổ chức cuộc họp giữa Bộ Y tế và Hiệp hội Sữa Việt Nam với các cơ quan liên quan về quy định muối trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung Iốt tại Nghị định 09 năm 2016, nếu vướng mắc thì kiến nghị Chính phủ sửa ngay.

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, Nghị định 09 năm 2016 yêu cầu muối trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung Iốt. Mục đích của quy định này đã rõ, nhưng trong thực tế, Iốt trong muối chỉ cần qua tác động nhiệt rất nhẹ là đã bị bay hơi hết, tức là quy định này không có tác dụng, lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Chinhphu.vn