Chính quyền địa phương Mỹ vẫn tiếp tục mua thiết bị viễn thông Trung Quốc bất chấp nỗ lực cảnh báo từ Washington. Theo nghiên cứu vừa được công bố của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học George Washington, từ năm 2015 đến 2021, ít nhất 1.861 nhà chức trách địa phương và tiểu bang Mỹ đã mua dịch vụ và thiết bị từ Huawei, ZTE, Hikvision, Dahua và Hytera từ năm 2015 đến 2021.
Có khoảng 5.700 giao dịch liên quan đến nhiều loại thiết bị, bao gồm smartphone, camera giám sát, máy quét nhiệt độ, thiết bị mạng và phát thanh cầm tay, tổng giá trị 45,2 triệu USD.
Các cơ quan liên bang bị cấm mua “linh kiện quan trọng hoặc thiết yếu của bất kỳ hệ thống nào” từ 5 công ty Trung Quốc do nguy cơ theo dõi.
Báo cáo chỉ ra dù số lượng giao dịch đã giảm kể từ khi lệnh cấm đưa ra năm 2018, vẫn có hơn 600 khoản mua sắm trong năm 2021 và không có dấu hiệu gì cho thấy việc này sẽ dừng lại. Quy định liên bang không áp dụng với chính quyền tiểu bang, dù vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc các lãnh đạo địa phương điều chỉnh chính sách phù hợp với những nỗ lực an ninh quốc gia và loại bỏ thiết bị Trung Quốc khỏi hạ tầng trọng yếu.
Vẫn theo nghiên cứu, 3/4 những khoản mua sắm là của các khu học chánh, trường cao đẳng, đại học công lập. Nhà tù, bệnh viện công và hệ thống giao thông cũng mua trang thiết bị. Một trong những người mua lớn nhất là một đại học công tầm trung ở Michigan, đã chi hơn 15 triệu USD cho thiết bị mạng và dịch vụ Huawei trong khoảng thời gian nói trên.
Thiết bị Trung Quốc thường rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại từ các nước khác, khiến nó hấp dẫn với các tổ chức chính phủ không có nguồn tiền dồi dào. Chẳng hạn, báo cáo cho biết, một camera Hikvision cơ bản có giá bán lẻ khoảng 90 USD, còn của Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc giá hơn gấp đôi.
Theo ước tính của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vào tháng 7, mất khoảng 5 tỷ USD để thay thế tất cả thiết bị Trung Quốc trong các hệ thống của Mỹ. Chỉ có Florida, Georgia, Lousiana, Texas và Vermont đã thi hành quy định liên quan tới mua sắm thiết bị công nghệ theo quy định an ninh quốc gia.
Trong hầu hết các giao dịch, khu vực công không ký hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất Trung Quốc mà thông qua nhà phân phối thứ ba.
Du Lam (Theo SCMP)