Theo Al Jazeera, vào đầu tuần này, Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống tội ác của chính quyền Taliban thông báo, việc sử dụng âm nhạc trong các đám cưới tại Afghanistan sẽ bị nghiêm cấm hoàn toàn. Lực lượng cảnh sát tôn giáo của Taliban sẽ kiểm tra chặt chẽ các trung tâm tiệc cưới ở Kabul để đảm bảo lệnh cấm được thực thi.
Vào năm 2022, chính quyền Taliban cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp không phát nhạc tại các sự kiện đông người, nhưng điều luật này không được giám sát quá chặt chẽ. Theo cách giải thích của Taliban, âm nhạc là thứ đi ngược lại với lời răn của đạo Hồi. Lực lượng này khẳng định, chỉ có giọng nói của con người mới tạo ra các giai điệu, và nó chỉ được dùng để ca ngợi thánh thần.
Sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát chính phủ vào tháng 8/2021, rất nhiều nghệ sĩ và nhạc công đã rời Afghanistan và xin tị nạn ở các quốc gia phương Tây. Tới tháng 4/2023, một đài phát thanh do phụ nữ điều hành ở tỉnh Badakhshan đã bị đóng cửa vì phát nhạc trong tháng Ramadan. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Badakhshan Moezuddin Ahmadi, đài phát thanh này đã "vi phạm luật và các quy định của đạo Hồi".
Bên cạnh các lệnh cấm liên quan tới văn hoá, chính quyền Taliban cũng đưa ra rất nhiều hạn chế với phụ nữ tại Afghanistan. Vào tháng 12/2022, chính quyền Taliban ra sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, ngoại trừ của Liên Hợp Quốc. Trước đó, phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm học đại học, chỉ được ra khỏi nhà khi có thành viên nam đi cùng, bị cấm tới công viên và vườn hoa.