Thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong doanh nghiệp Nhà nước
Thông tư 06/2024 của Bộ LĐTB&XH có hiệu lực từ 15/9 thay thế Thông tư 26/2016 quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định như sau:
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại Thông tư 26 dưới đây làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26.
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ ngành
Nghị định số 83/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9 trong đó sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị.
Số lượng cấp phó trong vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ, nghị định mới quy định vụ thuộc tổng cục có từ 15 - 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 4 tổ chức được bố trí không quá 2 cấp phó.
Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 4 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.
Đối với ban và văn phòng của cơ quan thuộc Chính phủ có từ 15 - 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 2 cấp phó; ban, văn phòng có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.
Nghị định 83 sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Từ ngày 1/9, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các nghị quyết, quyết định hiện hành của HĐND/UBND tỉnh, thành về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/12 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.