Dù đã sang thời điểm "biển số gắn với người" nhưng nhiều chủ xe ô tô cũ vẫn chưa thực hiện chuyển về tên mình. Họ "tặc lưỡi" cho rằng làm thủ tục mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi chiếc xe có giá trị không cao.
Từ 15/8, biển kiểm soát ô tô xe máy chính thức được áp dụng định danh theo chủ phương tiện theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA (Thông tư 24). Dù đã có lộ trình từ lâu, song nhiều chủ xe ô tô cũ vẫn bỏ qua việc sang tên đổi chủ và định danh biển số vì cho rằng làm thủ tục mất nhiều thời gian, mất nhiều chi phí, trong khi chiếc xe chỉ đáng giá trăm triệu.
Nhiều chủ xe chấp nhận không sang tên khi mua bán
Theo nội dung Thông tư 24, người dân đi đăng ký xe sẽ được cấp biển số định danh - biển số được quản lý theo mã định danh của chủ xe (biển số định danh). Biển số xe 5 số đang lưu thông được tự động mặc định là biển số định danh của người đứng tên trên hệ thống đăng ký xe.
Ghi nhận trong những ngày đầu tiên quy định trên được áp dụng trên nhiều cộng đồng và hội nhóm về ô tô xe máy, không ít người vẫn khá mơ hồ với việc định danh biển số dù qua thời điểm 15/8. Trong đó, số lượng chủ sở hữu ô tô chưa làm các thủ tục sang tên đổi chủ có số lượng rất lớn với những lý do rất khác nhau.
Anh Nguyễn Hồng Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) mua chiếc Toyota Corolla Altis đời 2011 từ một người rao trên mạng cách đây 5 năm. Tại thời điểm mua xe, anh và chủ cũ chỉ làm giấy mua bán viết tay, kèm theo các loại giấy tờ cá nhân phô tô công chứng mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ.
"Năm 2018 tôi chưa có hộ khẩu ở Hà Nội, sợ sang tên phải về quê đăng ký lại rất mất thời gian công sức, đồng thời mất cả biển số Hà Nội của xe đang khá đẹp. Khi biết quy định của Thông tư 24, tôi cũng đã thử liên lạc với chủ cũ nhưng người này hiện đang sinh sống trong TP. HCM, đến 15/8 rồi nhưng tôi đành 'tặc lưỡi' cho qua", anh Hải chia sẻ.
Cũng theo anh Hải, thời gian từ khi có quy định của Thông tư 24 đến lúc chính thức áp dụng chỉ là 1 tháng rưỡi là quá gấp để tất cả người dân thực hiện, trong khi theo hướng dẫn thì có cả "núi" thủ tục cần thực hiện. Hơn nữa, với trường hợp không liên lạc với chủ xe, hoặc chủ cũ gây khó khăn, không sắp xếp được thời gian để cùng chủ mới đến cơ quan công an thì cũng...chịu.
Đang sử dụng một chiếc Chevrolet Spark đời 2006, anh Hoàng Văn Đông (Gia Lâm, Hà Nội) lại "phớt lờ" luôn quy định mới khi chiếc xe vẫn mang BKS Bắc Ninh với tên trên đăng ký xe là của một người xa lạ. Chủ xe này cho rằng, chiếc xe của mình không đáng bao nhiêu tiền, việc sang tên đổi chủ và đăng ký lại là không cần thiết.
"Theo giới xe cũ định giá chiếc Spark 17 năm tuổi của tôi còn khoảng gần 50 triệu, xe đã đăng ký lại biển 5 số nhưng được mua bán qua nhiều đời chủ nên tôi cứ để vậy mà sử dụng. Giờ không biết chủ cũ ở đâu, và mang đi đăng ký lại thì tôi lại mất thêm 20 triệu tiền biển số Hà Nội, bằng gần nửa tiền xe mất rồi".
Nhiều người sử dụng xe cũ cho rằng, việc quy định về định danh biển số là cần thiết nhằm quản lý tốt hơn phương tiện, tuy vậy quy định này gây khó cho những chủ xe mới mua bán xe qua nhiều đời chủ hoặc với những chiếc xe có giá trị không cao.
Nhiều người đã phải loay hoay tìm, liên hệ lại chủ xe cũ trong ngày đầu áp dụng quy định mới về định danh biển số. Thậm chí, nhiều trường đến cơ sở đăng ký xe còn phải ra về, không thể hoàn thành được thủ tục do chủ xe cũ gây khó khăn.
"Thiệt đơn thiệt kép" khi chưa định danh được biển số
Anh Dương Trung Kiên - người có kinh nghiệm mua bán xe cũ cho biết, với những trường hợp xe chưa sang tên, biển kiểm soát của chiếc xe họ đang sử dụng vẫn được định danh và gắn với chủ cũ. Với những người mua xe nhưng chưa sang tên xe như anh Hải, anh Đông ở trên, bản chất chỉ sở hữu phần "xác", trong khi từ giấy tờ, biển số đều có thể thuộc về người khác.
"Để giải quyết, nếu nhẹ nhàng thì chúng ta phải liên hệ nhờ chủ cũ đến cơ quan công an rút hồ sơ, sau đó thực hiện chuyển quyền sở hữu xe cho mình. Ngoài ra còn bị xử phạt khá nặng vì không sang tên đổi chủ, và khi đăng ký xe với biển số mới như ở Hà Nội sẽ phải mất thêm 20 triệu tiền biển", anh Kiên nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn đưa ra một nguy cơ mà những người sử dụng xe gặp phải, đó là biển số xe bị chủ cũ lấy lại để "danh chính ngôn thuận" đăng ký trên một phương tiện mới.
"Dù mới áp dụng nhưng trường hợp này là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần, nhất là những biển số đẹp bởi số đã định danh cho chủ đứng tên trên giấy tờ. Khi đó, chủ mới có nguy cơ mất trắng biển số vào tay người khác", anh Kiên nhận định
Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ thuộc Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) giải thích thêm, các xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8 mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được mặc định là biển số định danh của người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe chứ không phải người đang sử dụng.
Trường hợp xe không chính chủ muốn đăng ký lại theo tên mình sẽ phải đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký mới.
Thủ tục gồm giấy khai đăng ký xe, trong đó ghi rõ quá trình mua bán và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xe; nộp thêm chứng từ chuyển quyền sở hữu của chủ xe và người bán cuối cùng (nếu có) và nộp lệ phí trước bạ.
Trường hợp người dùng có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và của người bán cuối cùng, trong hai ngày làm việc, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi. Xử phạt xong, cơ quan công an sẽ đăng ký sang tên theo quy định.
Còn nếu không có chứng từ chuyển quyền sở hữu, cơ quan công an sẽ cấp giấy hẹn để được sử dụng xe trong 30 ngày. Đồng thời, cơ quan công an sẽ gửi thông báo cho chủ xe, cơ quan đã đăng ký cho xe đó và niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký; tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và tiến hành đăng ký sang tên.
“Đối với xe không chính chủ đã đăng ký biển 5 số thì biển đó mặc định là của chủ xe cũ. Về việc sang tên những xe này, cơ quan chức năng sẽ căn cứ cụ thể loại biển số đang gắn trên phương tiện để có hướng giải quyết phù hợp cho từng trường hợp”, cán bộ này chia sẻ.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định rõ về mức phạt nếu chủ phương tiện không nộp lại biển số và đăng ký xe.
Cụ thể, tại điểm e khoản 5 và điểm c khoản 7, Điều 30 Nghị định 100 quy định, phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với cá nhân; từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.
Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân; từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào với quy định mới của Thông tư 24? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!