Từ thời Ai Cập cổ đại cho đến thế giới hiện đại, những câu chuyện tranh giành quyền lực và của cải trong các gia tộc giàu có và hùng mạnh không hiếm, từ việc anh chị em ruột tranh giành ngôi báu, anh em ruột đấu đá lẫn nhau để độc chiếm tài sản cho đến bị cả họ tộc quay lưng vì bất đồng chính trị. Cùng VietNamNet điểm lại một số câu chuyện “huynh đệ tương tàn” nổi tiếng trên thế giới:
Trong trận chung kết tranh siêu cúp bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (Super Bowl) vào ngày 11/2 năm nay, ông Kennedy đã gây chú ý vì 2 “đặc sản” trong chính trường Mỹ là quảng cáo tranh cử và chuyện lục đục gia đình.
Rắc rối mới nhất của chính khách này liên quan đến một quảng cáo vận động tranh cử đắt đỏ, tiêu tốn tới 7 triệu USD, do siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) American Values thuê, thay mặt cho ông Kennedy, người đang tranh cử với tư cách ứng viên tổng thống độc lập sau khi rời đảng Dân chủ hồi tháng 10/2023.
Quảng cáo vận động tranh cử gây cãi của ông Kennedy. Nguồn: American Values
Toàn bộ quảng cáo dài 30 giây đã khắc họa các cảnh quay huyễn hoặc, với địa điểm vận động tranh cử cổ điển gần giống với nơi bác của ông Kennedy– cố Tổng thống John F. Kennedy từng sử dụng khi chạy đua vào Nhà Trắng năm 1960, từ các bức ảnh chất lượng thấp chụp gia đình Kennedy tới những câu quảng bá, kêu gọi ủng hộ.
Đoạn quảng cáo ngay lập tức khiến các thành viên khác trong gia tộc Kennedy tức giận. Bobby Shriver, em họ của ông Kennedy đã viết trên mạng xã hội X: “Quảng cáo ở trận chung kết Super Bowl của anh họ tôi sử dụng khuôn mặt của bác chúng tôi và của mẹ tôi”. Ông Shriver quả quyết, mẹ mình cảm thấy “kinh hoàng” khi xem đoạn quảng cáo đó.
Theo hãng thông tấn Axios, trước phản ứng dữ dội của những người họ hàng, ông Kennedy đã lên tiếng xin lỗi gia tộc. Chính khách này đổ lỗi cho siêu ủy ban American Values đã thuê quảng cáo mà không có "sự tham gia hoặc chấp thuận" của ông. Song, ông vẫn ghim video quảng cáo gây tranh cãi vào hồ sơ của mình trên mạng xã hội X.
Đó không phải là lần đầu tiên ông Kennedy bị cả gia tộc chĩa búa rìu công kích vì những vấn đề chính trị nóng bỏng.
Một phần không nhỏ làm nên tiếng tăm và sức ảnh hưởng hiện tại của ông Kennedy là nhờ gia tộc giàu truyền thống chính trị và uy tín lớn trong đảng Dân chủ, đặc biệt là từ bác – cố Tổng thống J.F.Kenedy, cha – cố Thượng nghị sĩ bang New York Robert Francis Kennedy và chú – cố Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Ted Kennedy.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính khách này lại có những quan điểm công khai thúc đẩy các thuyết âm mưu, phủ nhận khoa học chính thống và ủng hộ những nhân vật chính trị cực hữu, khiến ông ngày càng bị đẩy xa khỏi gia tộc và đảng Dân chủ.
Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Joseph Kennedy II, anh trai của ông Kennedy, cùng với các thành viên khác trong gia tộc cáo buộc ông “sai lầm nghiêm trọng” khi phản đối vắc xin.
Việc ông Kennedy tháng 4/2023 tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ có thể được xem là "giọt nước tràn ly".
"Robert có thể có cùng tên với cha chúng tôi nhưng anh/cậu ấy không theo đuổi những giá trị, tầm nhìn và cách đánh giá như ông. Chúng tôi kịch liệt phản đối anh/cậu ấy ra tranh cử và tin rằng việc đó rất nguy hiểm cho đất nước chúng ta", trích thông cáo chung ngày 9/10/2023 của 4 trong số 10 anh, chị, em ruột của ông Kennedy, những người luôn trung thành với đảng Dân chủ.
Căng thẳng hạ nhiệt đôi chút sau khi ông Kennedy quyết định rời khỏi đảng Dân chủ để tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Tuy nhiên, các thành viên trong gia tộc vẫn muốn ông từ bỏ hoàn toàn ý định chạy đua vào Nhà Trắng. Sự bướng bỉnh và quyết tâm của ông Kennedy đã dẫn tới những căng thẳng tại các buổi họp mặt gia đình ở Hyannis Port và Cape Cod. Chỉ duy nhất người mẹ - bà Ethel Kennedy từ chối công khai chỉ trích con trai.
Theo đài NBC, gần đây, khoảng 50 thành viên gia tộc Kennedy đã cùng đến gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng nhân dịp lễ Thánh Patrick (17/3). Bức ảnh chụp lại cuộc gặp này sau đó được lan truyền trên các phương tiện truyền thông, dường như nhằm mở ra một giai đoạn vận động tranh cử công khai hơn cho ông Biden của gia tộc Kennedy
Trong một bài đăng trên trang cá nhân, Kerry Kennedy, em gái ruột của ông Kennedy cũng đăng tải bức ảnh và dẫn lại lời ông Biden nói với bà cùng các con ở Phòng Bầu dục vào ngày hôm đó: “Bố và ông ngoại của các bạn là một trong hai người đã truyền cảm hứng cho tôi bước vào con đường chính trị”.
Stephen Kennedy Smith, em họ của ông Kennedy thậm chí thẳng thừng lên án ứng viên tổng thống này "quảng bá thông tin sai lệch, các thuyết âm mưu và sự ngờ vực của xã hội”.
“Không có gì phải nghi ngờ về việc Bobby (tên gọi thân mật của ông Kennedy) là người thông minh và có thể là một diễn giả rất thuyết phục. Nhưng nếu các bạn đang nghĩ đến việc bỏ phiếu cho Bobby, hãy tự hỏi tại sao nhiều người hiểu rõ anh ấy nhất lại phản đối việc anh ấy ra tranh cử", ông Smith viết.
Câu chuyện “huynh đệ tương tàn” vì khác biệt quan điểm chính trị ở nhà Kennedy đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ, đồng thời cũng cho thấy tính khốc liệt của cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng năm nay.
Bất chấp làn sóng tẩy chay của đa số các thành viên trong gia tộc, ông Kennedy nhất quyết không chịu bỏ cuộc. Trong một thông điệp trên mạng xã hội X ngày 7/5, ông Kennedy viết, một cuộc thăm dò dư luận do chiến dịch vận động tranh cử của ông thực hiện cho thấy bản thân sẽ “đè bẹp” đương kim Tổng thống Biden của đảng Dân chủ trong cuộc đua “song mã” và sẽ đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa trong trận đấu tương tự, dù rất khó khăn. Chính khách này cũng tuyên bố đang thu hút dần các cử tri ủng hộ 2 đối thủ.
Theo các cuộc thăm dò do CNN và Quinnipiac công bố hồi tháng 4, ông Kennedy có thể giành được 16% phiếu ủng hộ trong cuộc cạnh tranh có sự tham gia của cả ông Trump, ông Biden và những ứng viên tổng thống độc lập khác. Giới quan sát thừa nhận hiện rất khó dự đoán tác động của ông Kennedy đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây hoặc liệu mối bất hòa trong gia tộc nổi tiếng của ông có chấm dứt sau đó hay không.