Lời tòa soạn: Tại TP.HCM mới đây xôn xao chuyện chủ nuôi hành hung người cha bảo vệ con khi gặp chó không đeo rọ mõm ở chung cư. Đáng nói, thực trạng nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm trong khu dân cư đã trở thành vấn đề nhức nhối, rất đáng bàn và cần quản lý chặt chẽ sau hàng loạt vụ chó nuôi tấn công làm chết chủ nhà, hàng xóm hay khiến trẻ nhỏ thương tật suốt đời. |
'Thú cưng' tung tăng khắp chung cư
Sáng 10/2, vừa dẫn cháu đi dạo trong khuôn viên tòa chung cư Phú Thịnh Green Park (phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội), bà Ng.Th.H. vừa căng mắt nhìn một con chó đang chạy nhảy cách hai bà cháu khoảng 10m. “Ban quản lý tòa nhà đã cấm thả rông chó ở chung cư, nhưng nhiều người cố tình không chấp hành”, bà H. nói.
Bế cháu gái gần 2 tuổi trên tay, bà H. bức xúc nêu ý kiến với bảo vệ toà nhà: “Đã là chung cư thì phải cấm tiệt người dân nuôi chó. Kể cả khi chó được tiêm phòng, đeo rọ mõm thì cư dân chúng tôi vẫn rất sợ khi đi cùng thang máy hay dạo quanh tòa nhà”.
Trước bức xúc của bà H., ông Nguyễn Văn Tuấn, bảo vệ chung cư Phú Thịnh Green Park chỉ về hướng sảnh, nơi gắn bảng nội quy hoạt động của tòa nhà với yêu cầu người dân không được nuôi động vật gây nguy hiểm cho cư dân. Ban quản lý tòa nhà cũng yêu cầu cư dân không được thả rông chó trong khuôn viên, phóng uế bừa bãi.
“Quy định là vậy, nhưng chúng tôi cũng không được phép xử phạt. Gặp người vi phạm, chúng tôi chỉ nhắc nhở mà thôi”, ông Tuấn nói và cho biết, để cấm nuôi chó, mèo ở chung cư phải được sự đồng thuận của 2/3 cư dân.
Việc người dân nuôi chó, mèo cũng phổ biến trong các tòa chung cư ở quận Thanh Xuân. Anh Ng.Q.H. ở khu chung cư Việt Đức (phường Nhân Chính) cho biết, người dân ở khu chung cư này nuôi rất nhiều chó, mèo. “Việc đeo rọ mõm, dắt chó đi dạo phụ thuộc vào ý thức của từng người”, anh H. cho hay.
Theo anh Ng.Q.H., nhiều người coi chó, mèo là ‘thú cưng’, nên việc nuôi chúng ngày càng phổ biến ở chung cư. Anh H. cho biết, cư dân chung cư Việt Đức từng có ý kiến về việc một người phụ nữ nuôi chó to ở tòa nhà là không hợp lý. Thực tế này khiến người dân thường lâm vào cảnh sợ hết vía khi đi cùng thang máy có những con chó lớn.
Tuy nhiên, người này giải thích bà sống một mình, chỉ có con chó bầu bạn mỗi khi về nhà. Hơn nữa, bà đã nuôi ‘người bạn’ này từ trước khi về ở khu chung cư Việt Đức.
Nên cấm nhập giống chó hung dữ
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y quận Thanh Xuân cho biết, quận này có khoảng 2.300 con chó, mèo. Theo bà Hương, quy định hiện nay không cấm người dân nuôi "thú cưng" ở chung cư.
Tuy nhiên, người dân nuôi chó phải chấp hành các quy định như đăng ký với phường, tiêm phòng định kỳ, khi ra đường phải đeo rọ mõm và không được thả rông.
Theo bà Hương, việc cấm nuôi chó, mèo ở chung cư phụ thuộc vào quyết định của tổ dân phố. Nếu có hơn 2/3 cư dân đồng thuận thì việc cấm nuôi chó, mèo ở khu dân cư có thể được áp dụng.
Bà Hương cũng nêu lo ngại về một vài giống chó nhập ngoại như pitbull ‘rất say máu’ nên thường xuyên cắn người. Thậm chí vào năm 2018, con chó pitbull từng cắn chết một người đàn ông ở phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân.
“Tôi nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng cấm nhập giống chó to, hung dữ. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra”, bà Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, toàn thành phố có khoảng 450.000 con chó, mèo.
“Không ai cấm người dân nuôi chó ở khu dân cư. Tuy nhiên, người nuôi chó phải chấp hành quy định của pháp luật, nếu không sẽ bị phạt hành chính. Thậm chí, họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để chó cắn người, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Đảng nói.
Theo ông Đảng, nhiều người cho rằng Nghị định 144 về xử phạt chó thả rông chưa đủ răn đe. “Quan điểm là không đúng, vì bản chất của vấn đề là chính quyền địa phương đã làm nghiêm hay chưa”, ông Đảng nói.
Ông Đảng cho rằng, nếu chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt thì người nuôi chó sẽ biết sợ, không vi phạm quy định.
Vị Chi cục trưởng nêu ví dụ, từ khi 8 quận của Hà Nội thành lập đội xung kích bắt chó, mèo thả rông ở từng phường, các quận này đã được công nhận đảm bảo an toàn bệnh dại.
“Nhận được phản ánh của người dân là đội xung kích xuống ngay ‘điểm nóng’ bắt chó thả rông về phường gọi chủ lên nộp phạt, nếu không sẽ bị tịch thu. Xã, phường nào cũng làm nghiêm như vậy thì không còn chó thả rông”, ông Đảng nói thêm.
Đầu tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho các xã, phường thành lập đội bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại. Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Nội, một trong những tiêu chí để các quận được công nhận an toàn bệnh dại là phải thành lập được đội bắt chó thả rông. Ông Đảng cho biết, đội bắt chó thả rông không hưởng phụ cấp chuyên trách. Chỉ khi nào có ‘điểm nóng’ chó thả rông, chính quyền tổ chức ra quân thì họ sẽ được bồi dưỡng. Đến nay, có 8 quận thành lập được đội bắt chó thả rông ở tất cả các phường. “Khi nào có ‘điểm nóng’ chó thả rông, đội xung kích sẽ ra quân bắt giữ”, ông Đảng nói. |