Theo Cục An toàn thực phẩm, các loại thực phẩm cần được chia ra làm 3 loại: thực phẩm sống, thực phẩm chín và thực phẩm đóng hộp. 3 loại thực phẩm này cần được sắp xếp thành từng ngăn riêng biệt trong tủ lạnh.
Đối với thực phẩm sống từ thực vật như: rau, hoa quả, trái cây… nên cất tại ngăn dưới tủ lạnh, không nên để rau và trái cây ngay bên dưới ngăn đá vì dễ bị dập. Lưu ý, sơ chế sạch sẽ và để thật ráo nước các loại thực vật, sau đó chia chúng ra túi hoặc hộp riêng. Đối với súp lơ, cà rốt, hành tây, hành lá, chanh, gừng… nếu được bọc nilon (nilon bọc thức ăn) sẽ giữ rau củ tươi rất lâu.
Đối với thực phẩm sống từ động vật như: thịt cá, lợn, bò, gà, hải sản… nên sơ chế thật sạch và để ráo nước, sau đó chia thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng. Phải bọc thật kỹ thực phẩm và giữ trong ngăn đá tủ lạnh, tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.
Đối với các món từ gạo, cần để nguội hẳn trước khi cho vào tủ lạnh, sau đó bọc kín và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh. Đồng thời, không được để thức ăn đã nấu chín chung với thực phẩm tươi sống để tránh vi khuẩn lây nhiễm chéo. Tránh để đồ hộp đã mở nắp trong tủ lạnh vì sẽ làm cho thức ăn chứa trong hộp bị nhiễm vị kim loại.
Với thức ăn sẵn, đóng hộp, như các sản phẩm sữa, không nên để chung với các loại thực phẩm khác vì sữa rất dễ hấp thụ mùi. Hãy bọc kín sữa và để ngăn cánh tủ lạnh, tách biệt với các ngăn khác. Với pho mát, nên bọc thật kỹ bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín đựng thực phẩm vì pho mát rất nhanh khô, dễ làm mất mùi vị tự nhiên.
Hoàng Linh