Ngày 15/8, theo ghi nhận của PV tại km 12+ 500, điểm đặt trạm BOT 39 (thuộc địa bàn TT.Thanh Nê, H.Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), từ sáng sớm đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông vì các tài xế khi đi qua trạm đã không chấp nhận đóng phí.
Đây là dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010, tổng mức đầu tư ban đầu là 2.072 tỷ đồng. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán cho nhà đầu tư là công ty CP Tasco Nam Thái (Tasco- PV) từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến tháng 9/2014, dự án đã thực hiện được khoảng 1.250 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, do một số yếu tố cùng với việc dự án phải điều chỉnh thiết kế nên tổng mức đầu tư của dự án lên tới 2.602 tỷ đồng.
Do khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ chỉ bố trí cho dự án số vốn là 1.437 tỷ đồng, số vốn còn thiếu là 1.165 tỷ đồng.
Năm 2014, tỉnh Thái Bình đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BT+BOT để giải quyết khó khăn về vốn.
Theo đó, sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh 445 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí trong 21 năm để hoàn vốn.
Từ tháng 1/2017, Công ty Tasco thực hiện thu phí tại trạm thuộc Km13+250 đường 39B đoạn đường tránh TT.Thanh Nê (H.Kiến Xương) và đoạn từ đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến TT.Diêm Điền (H.Thái Thụy) để hoàn vốn cho dự án.
Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng và thu phí tại trạm thu phí Thanh Nê đã vấp phải sự phản đối của người dân, buộc phải điều chỉnh lại.
Theo đó, Công ty Tasco ra thông báo đề nghị người dân và các doanh nghiệp thực hiện cập nhật và đăng ký thông tin tại văn phòng của UBND xã (hoặc công an xã) trước ngày 10/8 để được hưởng chính sách hỗ trợ 100% phí qua trạm. Nếu ai không đăng ký sẽ thu phí như bình thường.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Mạnh Hùng, chủ một hãng xe khách, đồng thời là công dân địa phương cho biết: "Đường này có từ thời xa xưa. Công ty Tasco làm con đường từ nhà máy nhiệt điện đến cầu Trà Lý và đường tránh TT.Thanh Nê. Song song với đường tránh TT.Thanh Nê là đường QL 39B. Sau khi hoàn thành đường tránh TT.Thanh Nê họ đã lập BOT 39 ở đó, chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng tại sao BOT 39 cũng được đặt tại Km13+250 Đường 39B, nơi công ty không bỏ tiền để làm".
Ông Nguyễn Công Đoàn (65 tuổi, trú tại xã Vũ Chính, TP.Thái Bình) làm kinh doanh bán lẻ xăng, dầu nói. “Tôi rất bức xúc vì bản thân có nhiều cửa hàng bán lẻ ở đây, hàng ngày tôi qua lại giao hàng nhiều, như hôm nay Tasco không cho tôi lưu thông nếu không mua vé. Họ yêu cầu tôi phải có hộ khẩu tại địa phương nhưng hộ khẩu của tôi tại TP.Thái Bình. Trong khi đó, Công ty Tasco làm con đường chánh TT.Thanh Nê thì chỉ được phép đặt BOT trên con đường đó, không được phép đặt trên đường QL 39B”.
Tại trạm thu phí đặt trên QL 39B có cắm biển ghi rõ biểu mức thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí BOT 39 tỉnh Thái Bình, chi tiết với từng loại xe là mức giá tương ứng cụ thể.
Với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng có giá vé 29.000 đồng/lượt; 884.000 đồng/tháng hoặc vé quý là 2.386.000 đồng.
Xe từ 12 ghế - dưới 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng 2 tấn đến dưới 4 tấn giá vé 44.000 đồng/lượt; 1.325.000 đồng/tháng hoặc 3.584.000 đồng/quý.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn - dưới 10 tấn khi qua trạm có vé 64.000/lượt; 1.915.000 đồng/tháng hoặc 5.169.000 đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 10 tấn - dưới 18 tấn; xe trở hàng bằng cotainer 20 feet có vé lượt qua trạm là 137.000 đồng; 4.124.000 đồng/tháng và 11.144.000 đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet qua trạm phải trả 196.000 đồng/lượt; 5.891.000 đồng/tháng; vé quý là 15.905.000 đồng/quý.
Đến chiều nay, người dân và các tài xế tiếp tục tập trung ở trạm này để yêu cầu BOT 39 đặt đúng chỗ.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần Tasco - nhà đầu tư dự án cho biết, trạm BOT quốc lộ 39B bắt đầu thu phí từ năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình này một số người dân bày tỏ sự không đồng tình với mức phí và yêu cầu được miễn, giảm nên thời gian qua một số phương tiện được nhân viên trạm cho qua mà không đóng phí. Hiện lượng xe qua trạm thấp, một số lái xe không chịu trả phí nên doanh thu của công ty giảm mạnh, không đảm bảo phương án tài chính cho dự án. Trước sự việc này, UBND tỉnh Thái Bình đã đồng ý từ ngày 15/8 cho đơn vị được thực hiện một số biện pháp tăng cường để bảo vệ cho nhân viên và cơ sở vật chất của trạm, đồng thời chống thất thu phí, nên có sự việc trên xảy ra. Cũng theo đại diện công ty, dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) có chiều dài gần 30km, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu gần 2.100 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). |