Từ xa xưa, chợ tình Tổng Cọt là phiên chợ ca ngợi, tôn vinh tình yêu đôi lứa trong sáng, thuỷ chung. Đây là nơi tái ngộ của các cặp đôi bị lỡ hẹn trên con đường tình duyên, mong muốn gặp lại để tâm sự, chia sẻ, động viên. Ngày nay, chợ tình được bà con dân tộc Nùng gìn giữ, bảo tồn và tái hiện những giá trị văn hoá tốt đẹp.
Theo ông Lã Hoài Bắc - Chủ tịch UBND xã Tổng Cọt, bà con trên địa bàn xã 100% là người Nùng. Những năm gần đây, chợ tình Tổng Cọt không chỉ thu hút được rất đông người dân trong xã, các xã lân cận mà còn có du khách từ nhiều địa phương. Địa phương đã và đang nỗ lực vận động bà con gìn giữ phiên chợ đặc sắc này.
Anh Đàm Đình Diệm (Cao Bằng) là du khách đã có hai lần tới tham gia Lễ hội chợ tình Tổng Cọt để ghi lại những hình ảnh thú vị tại đây. "Tôi rất ấn tượng khi tới khu chợ tình này bởi bà con còn giữ gìn được những nét văn hóa đặc trưng của người Nùng từ trang phục, ẩm thực đến các trò chơi dân gian.
Hai năm gần đây, địa phương cũng rất quan tâm, đầu tư tổ chức nên lễ hội hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều du khách gần xa và quảng bá văn hóa, sản vật", anh Diệm chia sẻ.
Dạo quanh khu chợ, du khách sẽ bắt gặp bà con mặc trang phục truyền thống, rộn ràng cười nói, gặp gỡ, buôn bán.
Ở Cao Bằng, người Nùng gồm các ngành: Nùng Inh, Nùng An, Nùng Giang, Nùng Sluồng, Nùng Khen Lài, Nùng Vẻn… Trong đó, người Nùng Giang phân bố chủ yếu ở các xã: Vân An, Cải Viên, Thượng Thôn, Hạ Thôn, Mã Ba, Tổng Cọt (Hà Quảng), một số ít cư trú trên địa bàn huyện Trùng Khánh.
Trang phục của người Nùng Giang được làm từ vải chàm. Áo của phụ nữ là loại áo ngắn, khuy ngang, cài khít cổ, tay và phần ngực không rộng cũng không quá chật, phía thân áo xẻ tà. Ngày nay, chỉ những phụ nữ lớn tuổi mới mặc áo chàm, còn phụ nữ trung niên và thanh niên mặc áo màu xanh hoặc kẻ ca rô may theo kiểu truyền thống.
Tại phiên chợ tình, bà con bày bán nhiều đặc sản địa phương, nông cụ, đồ dùng... Trong đó, du khách dễ bị thu hút bởi những gian hàng bán đậu phụ chao mỡ béo ngậy, thơm nức mũi. Đậu được chiên ngập trong chảo dầu mỡ sôi sùng sục, đảo đều tay đến khi đậu nổi lên, bên ngoài vàng ươm, giòn tan, bên trong vừa chín tới, mềm và xốp. Đậu đang nóng hôi hổi được ăn kèm với tương.
Tại lễ hội chợ tình có nhiều hoạt động khác nhau như trình diễn múa lân đến từ thành phố Lạng Sơn; thi trưng bày gian hàng đặc sản lâu đời của xã Tổng Cọt; tổ chức giải bóng chuyền hơi, thi lày cỏ, kéo co, hát dân ca, giải bóng đá nam, giải bóng chuyền da...
Một trò chơi dân gian tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong chợ tình là lày cỏ.
Lày cỏ còn gọi là “sai mạ”, đây là hoạt động giao lưu trong những dịp lễ, Tết, ngày vui của người Tày, Nùng từ xa xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Cách chơi lày cỏ của người Tày, Nùng gần giống như trò oẳn tù tì của người Kinh ở dưới xuôi.
Mỗi lượt chơi chỉ có hai người, khi chơi họ cùng đồng thanh hô một con số, số nào là do mình chọn, xòe ra mấy ngón tay tùy mình thích. Miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình hô. Ai đoán đúng sẽ thắng, ai thua thì bị phạt.
Từ xã Tổng Cọt, du khách có thể kết hợp ghé thăm nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng như Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (27km), núi Mắt Thần (22km)...