Xem clip:
Tự chọn đá để xây lăng cho mình
Cách trung tâm TP Huế khoảng 35km, xã Vinh An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) được xem là thành phố lăng mộ bởi tại các làng như An Bằng, Hà Úc, có những lăng mộ được xây dựng hàng tỷ đồng và phá “kỷ lục” về sự đồ sộ, tráng lệ, thời gian hoàn thành.
Thời gian qua, người dân địa phương và du khách rỉ tai nhau về một khu lăng mộ “có một không hai” gần khu vực chùa Hà Úc (làng Hà Úc, xã Vinh An).
Theo một số người dân địa phương, lăng mộ này là của gia đình cụ Trương V.V. (từng sinh sống ở làng). Lăng mộ được xây dựng từ năm 2017 nhưng đến cuối năm 2021 mới hoàn thành.
Theo quan sát của PV, tại nghĩa trang của làng Hà Úc, khu lăng mộ của gia đình ông V. nổi bật, nhìn uy nghiêm, tráng lệ, cổng lăng được dựng 4 trụ biểu cao 11m.
Một người con trai cụ V. (xin giấu tên) cho biết, trước khi mất, cụ V. mua 20.000 viên đá chẻ và dặn dò con cháu, khi nào cụ mất, nhớ lấy đá này để xây móng, lát nền cho khu lăng mộ của cụ.
“Một thời gian sau ba tôi mất, gia đình quyết chọn mảnh đất tại nghĩa trang của làng để xây cất lăng mộ vì chúng tôi nhận thấy, đây là khu đất có long mạch tốt, hội tụ nhiều nguồn khí linh thiêng của đất trời. Mặt lăng hướng cánh đồng, tiếp đến là biển. Hai bên khu vực lăng là nơi nhiều người sinh sống, là thế đất phát tài, phát lộc, vượng khí muôn đời”, con trai cụ V. chia sẻ.
Cũng theo con trai cụ V., khu lăng mộ được xây dựng theo phong cách, kiến trúc của lăng tẩm triều Nguyễn, có pha lẫn một số tiểu tiết của nhiều vùng miền.
Trên phần diện tích rộng gần 600m2, ngay khi qua cổng, dễ dàng bắt gặp một toà nhà lục giác với diện tích lớn - là nơi con cháu có thể ngồi nghỉ, ngắm lăng một cách tổng quát nhất.
Đi sâu vào trong khu lăng, bên cạnh ngôi mộ chính của cụ V., gia chủ đặt trang trọng một am lớn với tượng Bồ Tát cao khoảng 3m. Điều khiến nhiều người trầm trồ, ấn tượng là, toàn khu lăng mộ được những người thợ tài hoa tạo tác các hoa văn chạm nổi trên đá với kỹ thuật tinh xảo.
Các trụ biểu và vòm am được chạm khắc tứ linh long, lân, quy, phụng - những linh vật gắn với đời sống tâm linh và mang ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn cho gia chủ.
Theo con trai cụ V., quá trình xây dựng, gia đình tìm và chọn những người thợ có tay nghề cao trong vùng. Đặc biệt, đích thân những người trong gia đình tự chọn, mua các loại vật liệu cao cấp, tốt nhất để về xây dựng khu lăng mộ.
Sau hơn 4 năm xây dựng, đến cuối năm 2021, khu lăng mộ cụ Trương V.V. được con cháu trong dòng tộc tổ chức khánh thành.
“Ngoài số tiền con cháu trong nhà đóng góp, các con cháu ở bên Mỹ có điều kiện cũng gửi về để xây dựng lăng này. Kinh phí xây lăng mộ cho ba tôi khoảng gần 4 tỷ đồng”, con trai cụ V. chia sẻ.
Những ngôi mộ bạc tỷ ở làng chài
Cách làng Hà Úc không xa, nghĩa địa làng chài ven biển An Bằng (xã Vinh An) từ lâu được biết đến là một nghĩa địa nổi tiếng và được xem là xa hoa, tráng lệ bậc nhất ở Việt Nam.
Tại đây, có hàng nghìn khu lăng mộ với màu sắc, hình thù, kích thước hội tụ đủ các yếu tố về văn hoá tôn giáo như Công giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo với giá trị mỗi khu lăng mộ lên tới hàng tỷ đồng.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Chuẩn - trưởng thôn An Mỹ (thuộc làng An Bằng) cho biết, người dân làng An Bằng vốn có nghề đi biển.
Tuy nhiên, khoảng vài thập kỷ trở lại đây, kinh tế người dân khá dần lên, nhiều người bỏ dần nghề truyền thống.
“Việc xây lăng mộ cho ông bà tổ tiên đã có từ lâu, khi dân làng An Bằng bắt đầu có điều kiện từ việc dành dụm và người thân bên nước ngoài gửi chi phí về. Việc họ gửi tiền về là để xây lăng mộ báo hiếu ông bà, tổ tiên”, ông Chuẩn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Gái - người dân địa phương chia sẻ thêm, tại làng An Bằng, mỗi lăng mộ ngoài chi phí các con cháu trong nhà đóng góp thì con cháu ở nước ngoài gửi tiền về là chủ yếu.
“Cũng vì thế mà hàng nghìn lăng mộ được mọc lên có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Thậm chí họ còn thuê người quét dọn lăng mộ. Để hoàn thành một lăng mộ tỉ mỉ, xa hoa và tráng lệ như thế, phải mất thời gian trung bình 2 tháng hay thậm chí là hơn 1 năm mới có thể hoàn thiện được”, bà Gái chia sẻ.
Anh Lê Văn Thanh - làm nghề thợ kép cho biết, từ khi người dân trong làng đua nhau làm lăng mộ cho tổ tiên, dòng tộc, công việc của anh cũng trở nên bận rộn.
Theo anh Thanh, nếu như trước đây, mỗi ngày công của thợ kép chỉ khoảng 250.000 đồng/ngày thì hiện nay, do nhu cầu xây dựng lăng mộ nhiều và sự đòi hỏi khắt khe của các gia chủ trong khâu chạm khắc, tạo tác linh vật, công của thợ kép cũng được trả tương xứng với khoảng 450.000 đồng/ngày.
“Với các công trình lăng mộ, thợ kép như chúng tôi đóng một vai trò rất quan trọng và không thể thiếu. Chính vì vậy, ngày công của thợ kép thường cao hơn những thợ khác, điều này cũng giúp chúng tôi có thêm thu nhập cho cuộc sống”, anh Thanh bộc bạch.
Quang Thành - Ngọc Thế