Chị Phạm Mai Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) đang lên kế hoạch lắp đặt điều hòa cho phòng ngủ diện tích 17m2. Tuy nhiên, chị băn khoăn nên lắp điều hòa công suất như thế nào để tiết kiệm điện năng nhất.
Nhiều người khuyên chị nên chọn mua điều hòa công suất càng nhỏ thì sẽ càng tiết kiệm điện, nhưng một số thợ sửa chữa, lắp đặt điều hòa lại cho rằng, chị nên chọn điều hòa công suất lớn hơn so với quy định diện tích phòng. Giữa hai phương án, khiến chị Mai Anh rất đắn đo.
Còn anh Kiều Hữu Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) được các nhân viên bán hàng tại siêu thị điện máy lớn tư vấn nên chọn công suất vừa đủ với diện tích phòng sẽ tiết kiệm điện nhất.
“Để chọn điều hòa công suất chuẩn theo diện tích phòng nhà mình là 19m2 thì thực sự rất khó, mình băn khoăn không biết nên chọn công suất nhỏ hay lớn hơn diện tích của phòng”, anh Tiến nói.
Liên quan đến vấn đề này, anh Đặng Văn Nam, một kỹ sư điện lạnh, cho rằng, máy nén là bộ phận tiêu tốn tới 95% điện năng của điều hòa. Thông thường các dòng máy điều hòa trên thị trường có trang bị một số cảm biến nhiệt độ, khi phòng sử dụng điều hòa đạt tới ngưỡng cài đặt nhiệt độ, động cơ máy nén trong điều hòa sẽ ngừng làm việc.
Anh Nam cho hay, đúng là nhiều người tiêu dùng, thậm chí cả thợ điều hòa, cũng đang nghĩ rằng điều hòa công suất lớn luôn tốn điện hơn điều hòa công suất nhỏ.
Tuy nhiên, anh Nam khẳng định, nếu lắp một chiếc điều hòa có công suất 12.000BTU cho phòng diện tích 15m2 sẽ tiết kiệm điện hơn là lắp máy có công suất 9.000BTU. Trong khi đó, diện tích 15m2 là tiêu chuẩn theo quy định của các nhà sản xuất điều hòa dành cho công suất 9.000 BTU.
Anh Nam lý giải, với máy có công suất 12.000BTU sẽ mất khoảng 20 phút để đạt được nhiệt độ cài đặt 26 độ C, lúc này máy nén sẽ ngừng hoạt động và không còn tiêu tốn điện năng nữa; còn đối với máy có công suất 9.000BTU sẽ mất tới 32 phút để đạt được 26 độ C. Tính ra, công suất điều hòa 12.000BTU khi cài đặt ở nhiệt độ 26 độ C tiêu tốn 333W, còn điều hòa công suất 9.000BTU tiêu tốn 400W.
“Khi nhiệt độ phòng đạt mức cài đặt, máy nén sẽ tự ngắt và khởi động lại nếu nhiệt độ phòng xuống dưới mức nhiệt cài đặt. Do đó, công suất khỏe hơn sẽ làm việc hiệu quả và hoàn thành công việc sớm hơn máy có công suất yếu hơn”, anh Nam cho hay.
Về kỹ thuật, anh Nam phân tích, khi một thiết bị điện nói chung và điều hòa nói riêng phải làm việc liên tục thì tuổi thọ cũng giảm dần theo thời gian.
Anh Nam lấy ví dụ, một chiếc điều hòa có tuổi thọ chạy liên tục trong vòng 10 triệu giờ sẽ hỏng, nếu so sánh 2 máy cùng làm việc trong môi trường và diện tích phòng giống nhau giữa điều hòa có công suất 12.000BTU và 9.000BTU thì chắc chắn điều hòa công suất 9000BTU sẽ hỏng trước vì phải làm việc nhiều hơn.
Ngoài ra, nhiều khách hàng quan điểm, mua điều hòa công suất cao sẽ mất nhiều chi phí lắp đặt, bảo trì, sửa chữa hơn. Anh Nam khẳng định không có chuyện này xảy ra.
“Điều hòa có công suất nhỏ sẽ dễ lắp đặt, bảo trì, sửa chữa hơn các loại công suất lớn chỉ đúng khi so sánh với hệ điều hòa có công suất lớn vượt trội dành cho các tòa nhà có công suất trên 60.000 BTU. Đối với những điều hòa công suất trong phạm vị từ 9.000-24.000BTU thì việc bảo trì, sửa chữa, lắp đặt có chi phí ngang nhau”, anh Nam cho hay.
Hiện tại, công suất tiêu chuẩn đối với từng diện tích phòng được các hãng sản xuất điều hòa khuyến cáo:
Công suất 9.000BTU tiêu chuẩn cho diện tích phòng 15m2;
Công suất 12.000BTU tiêu chuẩn cho diện tích phòng 20m2;
Công suất 18.000BTU tiêu chuẩn cho diện tích phòng 30m2;
Công suất 24.000BTU tiêu chuẩn cho diện tích phòng 40m2.
“Căn cứ vào công suất tiêu chuẩn cho từng diện tích phòng, khách hàng nên lựa chọn công suất máy cao hơn tiêu chuẩn sẽ tiết kiệm điện và bảo vệ máy tốt hơn”, anh Nam lưu ý.