Làm việc từ xa là cuộc chiến với chính mình
Hơn 10 ngày kể từ khi cùng nhiều người trên khắp mọi miền đất nước “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” bằng cách đang ở đâu thì yên vị chỗ ấy, phải cần kíp lắm mới trước chân ra đường, chị Thùy Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một nhân viên công sở, một giảng viên đại học kiêm bà mẹ bỉm sữa đã quen dần việc thực thi mọi công việc tại nhà, với sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ.
Là chuyên viên truyền thông cho một công ty công nghệ nên làm việc từ xa bằng máy tính cá nhân không phải là điều gì mới mẻ với chị Trang, bởi yêu cầu công việc của chị không đòi hỏi phải dành đủ 8 giờ nơi công sở.
Cũng bởi tính chất công việc như vậy, khi dịch bùng phát tại Hà Nội, bộ phận của chị Trang được liệt kê ngay vào danh sách “50% làm việc tại nhà - 50% đến công sở” để có thể đảm bảo công việc không gián đoạn. Cũng từ thời điểm đó, phòng chị chia làm 2 nhóm thay nhau lên văn phòng và làm việc ở nhà, mọi việc đều trao đổi, thảo luận thông qua môi trường Internet hay điện thoại.
Tiếp đó, từ ngày 1/4, khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16 yêu cầu thực hiện “cách ly xã hội”, công ty của chị Trang chính thức kích hoạt kịch bản làm việc từ xa hoàn toàn. “Vì được công ty hỗ trợ tiền ăn trưa, bảo hiểm sức khoẻ, chi phí điện thoại... cũng như đảm bảo thu nhập như bình thường nên tôi và các đồng nghiệp đều cảm thấy an tâm làm việc tại nhà”, chị Trang chia sẻ.
Những ngày không đến công sở, làm việc từ xa ở nhà, theo chị Trang, tuy dễ mà khó. Để triển khai công việc thì không vấn đề gì, bởi mọi tài liệu đều được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu chung của công ty, chỉ cần đăng nhập tài khoản cá nhân hay bộ phận được phân quyền là có thể lưu về máy sử dụng. Với những việc gấp, chị dùng điện thoại để trao đổi nhanh, còn lại email vẫn là công cụ thường lệ.
Các cuộc họp giữa các nhóm, bộ phận trong công ty cũng trở nên dày đặc hơn trong thời gian tổng kết năm tài chính vào cuối tháng 3. Công cụ họp trực tuyến trên nền tảng nguồn mở đã được công ty phát triển và sử dụng, nhằm tránh những ảnh hưởng khi sử dụng nền tảng có yếu tố “nước ngoài”, đặc biệt trong tình hình cáp quang biển đang bị đứt .
Thế nhưng cuộc chiến với cô con gái nhỏ 2 tuổi mới thực sự làm chị Trang căng thẳng. Kế hoạch ra Tết cho con đi học cũng bị lùi lại vô thời hạn. Rất may, chị có bà ngoại làm trong ngành giáo dục cũng bắt đầu dạy học online, nên những lúc không phải lên lớp thì bà có thể hỗ trợ.
Khó khăn nhất là những ngày cả chồng chị cũng làm việc ở nhà, phòng làm việc trở thành nơi được trưng dụng nhiều nhất. Hàng ngày, chị và chồng phải đưa ra quyết định ai được ưu tiên sử dụng khu vực im ắng và tập trung nhất này.
“Cuộc chiến thật sự không phải công việc hay làm quen công nghệ mà là làm cách nào vượt lên cám dỗ của việc ngủ thêm một chút hay ngồi vào bàn làm việc đúng giờ, chơi với con, bày vẽ nấu ăn hay hoàn thành công việc đúng thời hạn. Đôi khimỗi buổi sáng, để xốc lại tinh thần cho một ngày làm việc hiệu quả, tôi vẫn ngồi vào bàn trang điểm, thay một bộ đồ công sở rồi mới làm việc để cảm thấy tự tin hơn khi họp trực tuyến với đồng nghiệp hay khách hàng”, chị Trang bộc bạch.
Công nghệ đang là cứu cánh mùa đại dịch
Ngoài công việc nhân viên công sở, chị Thùy Trang còn là một giảng viên thỉnh giảng của Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý 2020, mỗi thứ Sáu hàng tuần chị lại nhận được tin báo từ nhà trường về việc tạm nghỉ dạy và học theo quy định để phòng tránh dịch bệnh.
Kể từ tháng 3/2020, nhà trường quyết định đưa vào sử dụng công cụ trực tuyến MS Teams để cô và trò cùng nhau lên lớp online. Mất vài giờ tìm hiểu, tạo tài khoản, tạo lớp học và thêm sinh viên vào lớp, chị Trang và gần trăm sinh viên đã có thể tiếp tục chương trình học dở dang và gấp rút hoàn thành để kịp tiến độ năm học.
Theo chia sẻ của chị Trang, dạy online cũng có những điểm hay khi sinh viên ngồi sau màn hình bỗng trở nên mạnh dạn hơn khi lên lớp, các bạn tự tin trao đổi ý kiến khiến lớp học sôi nổi hẳn. Bài giảng được chia sẻ trực tiếp qua ứng dụng, nên mọi sinh viên đều theo dõi được rõ ràng qua màn hình máy tính. Nhờ vậy việc học trực tuyến vẫn đem lại kết quả tích cực cho cả cô lẫn trò.
Giống như nhiều phụ nữ Việt khác, sau những phút giây bận rộn công việc, con cái, chị Trang cũng cố gắng dành thời gian cho bản thân bằng việc học tiếng Anh trực tuyến, xem những bộ phim hot qua Netflix hay chìm đắm trong không gian của những bà nội trợ “Yêu bếp”, “Nghiện nhà”.
Chị Trang cho biết: “Thực sự cảm thấy may mắn khi sinh ra trong thời đại công nghệ số, khi mà chỉ với một cú click chuột thì từ thực phẩm, sách vở, đồ dùng gia đình hay các sản phẩm cho em bé đều có thể ship đến tận nhà ngay trong ngày mà không cần phải ló mặt ra đường”.
Đặc biệt, thời gian thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội vừa qua cũng là cơ hội tuyệt vời để chị có thể thỏa sức sáng tạo với vô vàn món ăn ngon. Điều này khiến việc giảm cân giữ dáng cũng trở thành thách thức khi phòng gym hay câu lạc bộ thể thao đều đóng cửa. Rất may, Câu lạc bộ Yoga do cơ quan chị Trang tổ chức vẫn hoạt động đều đặn. Thông qua ứng dụng họp online, mọi người chỉ cần ở nhà tập theo cô giáo là vẫn vui và khỏe.
Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 chưa đến hồi kết, nhưng Internet và các ứng dụng công nghệ đang trở thành giải pháp thay thế vô cùng hiệu quả để người dân tiếp tục công việc và đời sống hàng ngày. Dù phát sinh những khó khăn nhất định, nhưng những nhân viên công sở kiêm mẹ bỉm sữa như chị Thùy Trang vẫn rất lạc quan và tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu giãn cách xã hội, làm việc tối đa tại nhà với hy vọng mọi công việc sớm trở lại với guồng quay phục hồi và tăng trưởng.