Xiaomei, 33 tuổi đến từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội để xin lời khuyên.
Cô đang gặp áp lực lớn khi chồng đưa ra tối hậu thư phải sinh con hoặc ly hôn. Cô cho biết vợ chồng cô kết hôn được 2 năm, cuộc sống rất hạnh phúc nhưng yêu cầu của chồng khiến cô bị sốc, theo SCMP.
"Chỉ vì tôi chưa muốn có con, anh ấy nói sẽ ly dị", Xiaomei nói.
Người chồng đặt ra thời hạn phải sinh con trong 2 năm tới. Anh cho rằng cô đã lớn tuổi, phụ nữ sinh con sau 35 tuổi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ.
Tuy nhiên, cô cảm thấy khi có con sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của vợ chồng. Cô cũng lo lắng, không muốn có con vì từng chứng kiến bạn thân mình bị xuất huyết khi sinh. Gia đình chồng không chú ý, họ chỉ quan tâm đến đứa bé.
"Sinh con hoặc ly hôn. Anh ấy ra tối hậu thư với tôi như vậy", cô chia sẻ.
Mẹ đẻ và mẹ chồng cũng thúc ép cô phải sinh con. "Không đẻ con thì về già định sống thế nào?", hai người mẹ nói. Xiaomei cảm thấy vô cùng áp lực nên lên mạng tìm lời khuyên. Câu chuyện của cô lan truyền gây ra cuộc tranh cãi lớn.
Một số ý kiến cho rằng phụ nữ phải sinh con. "Không có con là sai lầm. Bạn có thể cảm thấy tiếc nuối khi về già. Có con sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn", người dùng mạng bình luận.
Trong khi đó, không ít người đồng tình với lựa chọn của Xiaomei. "Sống mà không có con cũng chẳng sao. Mỗi người đều có lựa chọn lối sống của riêng mình", người dùng mạng bình luận.
Câu chuyện về phụ nữ bị ép sinh con thường gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội ở đất nước tỷ dân.
Trước đó, một phụ nữ ở miền bắc Trung Quốc bị mẹ ép lập kế hoạch sinh con thứ 2 ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng đã lan truyền rộng rãi.
Năm 2021, một cậu bé ở miền đông Trung Quốc giục mẹ sinh em cũng khiến dân mạng xôn xao.
Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng dân số, nhưng một số phụ nữ vẫn tiếp tục nói không với việc sinh con.
Vốn đã phải vật lộn với tình trạng dân số già và có nguy cơ bị Ấn Độ vượt qua để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc tiếp tục đấu tranh để tăng tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ chọn tập trung vào sự nghiệp và các mục tiêu cá nhân thay vì lập gia đình, theo CNBC.
Chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016. Kể từ tháng 5/2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép mỗi gia đình có tối đa 3 con. Nhưng nhiều cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con hoặc chọn không sinh con.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc báo cáo dân số đã giảm xuống còn 1,412 tỷ vào năm 2022. Trong khi đó, năm 2021, dân số là 1,413 tỷ người.
Andy Xie, nhà kinh tế độc lập, cho biết ngày càng nhiều phụ nữ có trình độ chuyên môn cao hơn và thăng tiến ở nơi làm việc. Họ muốn có sự nghiệp, phấn đấu vì mục tiêu nhiều hơn.
Awen, nhà thiết kế tự do 31 tuổi đến từ Thâm Quyến cho biết, hiện tại cô rất vui khi chọn cuộc sống độc thân. Cô muốn kiếm tiền, tiết kiệm, tập trung vào sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
"Tôi đã cảm thấy rất mệt mỏi sau giờ làm việc, tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống khi kết hôn và có con", cô nói.
Theo Awen, hầu hết các ông chồng ở Trung Quốc không đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dạy con cái. Gánh nặng chăm sóc con nhỏ hoàn toàn đổ lên vai các bà mẹ.
"Nhiều bạn bè tôi, phụ nữ xung quanh tôi không muốn kết hôn vì công việc nhà, chăm sóc con cái đè lên vai họ. Bố mẹ tôi vẫn thúc giục tôi, họ muốn duy trì nòi giống, điều đó có nghĩa là tôi vẫn phải kết hôn và sinh con. Nhưng phụ nữ vẫn làm tất cả mọi việc một mình, vậy tại sao không thể độc thân", Awen nói.