Thông tin về tình hình gỡ thẻ vàng IUU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Hùng, cho biết, Thủ tướng giao Tổng cục Thuỷ sản xây dựng Đề án chống khai thác IUU đến giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, nội dung của đề án sẽ giải quyết bài toán tổng thể cho việc gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC), chống khai thác IUU và phát triển ngành khai thác thuỷ sản bền vững.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra những giải pháp thúc đẩy quản lý tàu cá, quản lý nghề cá theo hướng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý. Điển hình như, quản lý số lượng tàu cá, quản lý thiết bị giám sát hành trình (VMS), quản lý các cơ sở dữ liệu.

“Trong đề án, Tổng cục Thuỷ sản sẽ đề xuất thành lập một Trung tâm quản lý điều hành đối với ngành khai thác hải sản”. Theo ông Hùng, Trung tâm này có nhiệm vụ theo dõi tất cả các cảng cá, hoạt động của các cảng cá, hoạt động của tàu thuyền trên biển cũng như có các giải pháp chỉ đạo điều hành liên thông giữa Trung ương với 28 tỉnh, thành và các Chi cục, các cảng cá.

{keywords}
Tổng cục Thuỷ sản sẽ đề xuất thành lập một Trung tâm quản lý điều hành đối với ngành khai thác hải sản để chống khai thác IUU (ảnh: Phạm Công)

Ông cũng cho biết, ngày 27/10, Tổng cục Thuỷ sản đã có buổi làm việc trực tuyến với EC đánh giá tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, tiến tới gỡ thẻ vàng IUU.

Tại cuộc họp, phía EC ghi nhận Việt Nam rất nỗ lực, có sự quan tâm chỉ đạo rất cụ thể từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Có 4 nhóm khuyến nghị gồm: khung pháp lý, quản lý theo dõi tàu cá, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật. EC đánh giá rất cao những chuyển biến của Việt Nam về khung pháp lý. Vừa qua, những rà soát sửa đổi trong khung pháp lý đều được gửi cho phía EC, về cơ bản EC đồng tình cao với những nội dung sửa đổi.

Với nhóm truy xuất nguồn gốc, thời gian qua hàng hoá xuất khẩu sang thị trường EU có mức độ sai sót, mức độ trả lại rất ít so với những năm trước. Việt Nam đang làm tương đối tốt nội dung này.

Tương tự, nhóm thực thi pháp luật, hiện nay các tỉnh cũng đang rất tích cực trên cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân. Đối với những trường hợp vi phạm hoặc tái phạm, các địa phương cũng tăng cường công tác xử phạt để tiến tới nhanh nhất chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác, đặc biệt là vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Còn về quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá, trong giai đoạn vừa qua do dịch Covid-19 nên việc theo dõi, kiểm soát tàu cá gặp khá nhiều khó khăn. Số lượng tàu cá đi khai thác giảm.

Tuy nhiên, EC cũng đánh giá còn một số tồn tại. Cụ thể, việc quản lý, vận hành hệ thống thiết bị giám sát hành trình (VMS), những tàu cá không duy trì VMS, đặc biệt đối với nhóm tàu lớn trên 24m. Bên cạnh đó, phía EC yêu cầu Việt Nam kiểm soát cả 49 cảng cá chỉ định để làm sao đảm bảo sản phẩm thuỷ sản khai thác là hợp pháp.

Hiện nay thực thi pháp luật thuỷ sản của Việt Nam đối với hành vi xử phạt vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài rất hạn chế. EC yêu cầu cần tăng cường, đẩy nhanh điều tra, xác minh các hồ sơ để xử phạt.

Phía EC cũng lưu ý công tác triển khai Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. Nội dung này Việt Nam mới triển khai nên còn sai sót, còn những vấn đề phải cải thiện trong thời gian tới.

Nếu tình hình dịch bệnh ổn định, trong quý 1/2022 EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp tại các cảng cá, kiểm tra tại rất nhiều địa phương để xem những nỗ lực từ phía Việt Nam, từ đó có những khuyến cáo mới cho lộ trình gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam, ông Hùng thông tin.

Hà Giang