Cưới nhau được 7 năm, nhưng là 7 năm cực hình với hàng nghìn ngày chịu đựng chồng - người đàn ông là thần tượng trong mắt tất cả mọi người kể cả cha mẹ tôi. Sau ngày cưới, tôi mới thấy được mức độ ki bo của anh kinh khủng thế nào.
Anh ghi chép tất cả những phần chi tiêu của chúng tôi, từ mớ rau con cá đến mua sắm bộ bàn ghế. Ban đầu tôi nghĩ anh chỉ cẩn thận thế thôi, nhưng sau đó tôi phát hiện ra rằng anh ghi chép để nếu tháng này có tiêu quá tay thì tháng sau anh sẽ không ngại ngần mà cắt bớt tài chính đi cho cân đối.
Anh làm trưởng phòng đối ngoại, lương gần 10 triệu, còn tôi thì làm nhân viên văn phòng, lương chỉ được 5 triệu. Từ ngày nhà nước trả tiền qua ATM, tôi hầu như không còn thở được. Anh giữ thẻ ATM của tôi, có bao nhiêu lương anh giữ hết, anh nói để tôi cầm sẽ không quản lý được tài chính. Mà cơ quan tôi thì ngoài lương không có khoản nào khác nên chẳng bao giờ tôi được cầm khoản tiền nào lớn trừ tiền ăn và đổ xăng hằng ngày.
Bạn bè tôi ngạc nhiên khi thấy tôi nhà cửa đầy đủ, hai vợ chồng lương cũng không đến nỗi mà có khi cả năm không mua sắm bộ quần áo nào. Tôi chỉ cười trừ rồi trả lời là không thích mua sắm quần áo mới.
Anh kẹt xỉ tới nỗi không dám hút thuốc vì anh tính toán hút thuốc tháng tốn tới 200 nghìn, không dám đi uống bia với bạn bè vì sợ phải trả tiền. Chúng tôi gần như chẳng có bạn bè gì. Anh nói với tôi rằng không cần bạn, chỉ cần vợ chồng sống với nhau là đủ rồi. Tôi than thở thì bố mẹ tôi bảo tìm được người như chồng tôi hiếm vì bao nhiêu tiền mà dốc cho gái hết cũng chẳng con gì mà ngồi than.
Vâng, giá như anh ta sống thoáng thế, chắc tôi cũng chẳng có gì để kêu ca vì dù sao tôi còn được cầm cái thẻ lương của mình. Nhưng đằng này…
Cách đây 1 tuần, mẹ tôi ốm nặng, bà phải cấp cứu ở bệnh viện. Bố tôi gọi tôi mang giúp cho ông 50 triệu để nộp viện phí vì bà phải mổ tim gấp. Tôi hỏi chồng tôi, anh không nói gì, đến khi tôi giục nhiều anh bảo: “Mổ tim tỷ lệ sống thấp lắm, mẹ già rồi mổ làm gì, giờ cho bố mẹ vay tiền, nhỡ mẹ không sống nữa thì đến bao giờ mới trả được tiền, lúc ấy chả lẽ lại đòi”.
Tôi trân trối nhìn chồng tôi, người đàn ông sống cùng với tôi lại tính toán với cả mẹ vợ- người đang hấp hối ở bệnh viện bằng những lời lẽ như thế này hay sao? Tôi không thể tưởng tượng được. Anh kẹt xỉ kinh khủng, nhưng cũng không phụ bạc mẹ con tôi, tôi nên làm gì trong hoàn cảnh này? (D. Nguyễn)
Ảnh minh họa |
Chia sẻ với những bức xúc của độc giả D. Nguyễn khi có người chồng lúc nào cũng tính toán thiệt hơn, chuyên gia tư vấn Vũ Ánh Tuyết cho rằng: “Ở trong hoàn cảnh của chị, tôi biết chị đã phải hy sinh bản thân mình rất nhiều. Quan niệm về người đàn ông là chủ gia đình vẫn còn hiện hữu trong nhận thức của nhiều người.
Trong rất nhiều gia đình vẫn tồn tại cảnh người chồng có toàn quyền quyết định trong gia đình, đặc biệt về mặt tài chính. Tôi hy vọng rằng chị sẽ dần ý thức được hoàn cảnh và những bức bối của mình đang phải chịu để có thể phản kháng và đấu tranh với những gì chị đang phải chịu.
Có thể là không cố ý, nhưng những hành vi của chồng chị chính là đang gây bạo lực gia đình với biểu hiện: kiểm soát kinh tế tài chính và không cho chị có quyền tham gia hay quyết định việc chi tiêu trong gia đình. Việc kiểm soát này sẽ dẫn đến tình trạng chị bị phụ thuộc về mặt tài chính, mất đi sự chủ động và tự tin.
Vì vậy trước mắt chị không nên im lặng chấp nhận những hành vi của chồng chị mà cần nói chuyện thẳng thắn với anh ấy những suy nghĩ và mong muốn của chị. Anh ấy cần phải hiểu rằng cả hai đều có quyền quyết định trong mọi vấn đề gia đình, chồng chị cũng không có quyền cấm đoán hay giữ thẻ lương của chị.
Gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi có sự bình đẳng tôn trọng và yêu thương từ hai phía dành cho nhau. Cho dù anh là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình nhưng những hành vi kiểm soát kinh tế này cần phải chấm dứt và anh không thể lúc nào cũng tính toán với tất cả mọi người trong gia đình và với chính bản thân như vậy nếu còn muốn giữ hạnh phúc gia đình. Còn nếu anh ấy vẫn không thay đổi thì chị nên xem xét liệu có thể chung sống với người như vậy đến hết cuộc đời hay không. Chúc chị bình an”.
(Theo PLO)