Ngoài ra, 18 bị cáo khác gồm: Trương Khánh Hoàng, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phi Loan, Trần Thị Mỹ Dung, Lê Khánh Hiền, Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Duy Phương, Phan Tấn Trung, Nguyễn Ngọc Tú, Mai Hồng Chín, Phạm Văn Phi, Nguyễn Cửu Tính, Nguyễn Tuấn Anh, Dương Tấn Trước, Đào Chí Kiên cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương) kháng cáo xin không chịu phần bồi thường liên quan đến Công ty dầu khí Đông Phương.
Bị tuyên phạt 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng có đơn kháng cáo. Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai và Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh kháng cáo về phần tiền phải trả cho Trương Mỹ Lan.
Trước đó, ngày 11/4, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square) bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Cháu gái là bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 17 năm tù về 2 tội "Tham ô tài sản" và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
HĐXX cũng tuyên phạt 4 án chung thân với 4 bị cáo, gồm 3 cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB: bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT (trốn truy nã, xét xử vắng mặt); bị cáo Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT; bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc; bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước) bị tuyên chung thân về tội “Nhận hối lộ”.
Về dân sự, trong số 1.237 bất động sản bị kê biên, có 6 bất động sản của Công ty Cổ phần đầu tư Quốc Cường Gia Lai (QCG). Đến nay, công ty này muốn được gỡ kê biên, nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với số bất động sản này.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng phía Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.882 tỷ đồng. Do đó, để đảm bảo nghĩa vụ dân sự trong vụ án này của bà Lan, tòa tuyên khi nào công ty này hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo, thì được gỡ kê biên đối với 6 bất động sản đó.
Tòa cũng buộc Công ty Cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc của ông Đào Hồng Tuyển nộp lại số tiền hơn 6.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan để đảm bảo thi hành án.
Đối với quan hệ thế chấp, bảo đảm liên quan các Quyền sử dụng đất của Công ty Âu Lạc và Công ty Hạ Long dùng để đảm bảo dư nợ cho các khoản vay tại ngân hàng SCB, cơ quan cảnh sát điều tra đang ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng.