Hủy niêm yết, thành viên HĐQT tháo chạy

CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của các ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh.

Ông Quách Mạnh Hào là một cái tên quen thuộc trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước đây. Ông Hào gia nhập HĐQT Apax Holding từ giữa năm 2017 nhưng sinh sống tại Anh; giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Lincoln.

Ông Hào trước đó đã bán chốt lời đa số cổ phiếu IBC nắm giữ, một phần lớn cổ phiếu được bán vào thời kỳ cổ phiếu này có giá xung quanh đỉnh cao lịch sử năm 2021. Hiện ông Hào đang nắm giữ 110.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,13%.

Với việc 3 thành viên HĐQT xin từ nhiệm, hiện Apax Holdings chỉ còn 2 thành viên, gồm ông Nguyễn Ngọc Khánh và Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy).

Các thành viên HĐQT tháo chạy khỏi Apax Holdings trong bối cảnh Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hôm 22/11 thông báo về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings.

IBC nằm trong 3 diện theo dõi vi phạm, bao gồm cảnh báo do chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính; Kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với quy định; và Đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Đến nay, Apax Holdings chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I và quý II/2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Theo HOSE, kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Apax Holdings là chủ chuỗi tiếng Anh từng lớn nhất Việt Nam: CTCP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). IBC là công ty con của CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup. Tới cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC. Trong khi Egroup nắm gần 16,8% IBC. 

sharkthuy1.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy).

Tăng trưởng nóng mảng giáo dục, mắc kẹt vì bất động sản

Apax Holdings của Shark Thủy có giai đoạn tăng trưởng nóng. Sau khi nhìn thấy cơ hội trong mảng giáo dục có quy mô cả tỷ USD, Shark Thủy đã mở rộng hệ thống các trung tâm đào tạo tiếng Anh với tốc độ cực nhanh và trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng một thời gian ngắn sau đó.

Các trung tâm Apax English/Apax Leaders mọc lên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo giới thiệu, hệ thống này có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên theo học.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-2019 đã khiến cho các trung tâm giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.

Apax Holdings của Shark Thủy thêm phần khó khi lấn sân sang bất động sản. Thị trường bất động sản trầm lắng và gần như đóng băng kể từ năm 2022 cho tới nay đã đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Trong hơn năm qua, doanh nghiệp của Shark Thủy tái cấu trúc doanh nghiệp, dùng cả bằng bất động sản và các sản đồ gia dụng để gạt nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Apax Holdings vẫn không thoát khỏi khốn khó. Cổ phiếu IBC về dưới mức “trà đá”, chưa tới 2.000 đồng/cp, giảm hơn 10 lần trong vòng hơn một năm, và bị đình chỉ giao dịch từ 18/9.

Mặc dù Apax Holdings gặp khó và có giá cổ phiếu về mức “trà đá”, Shark Thủy có toan tính đưa Apax Leaders lên sàn chứng khoán. Gần đây, ông Thủy khẳng định Apax Leaders nhất định khôi phục hoạt động kinh doanh tại TP.HCM.

Theo đó, chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax vẫn được xem là đơn vị có nhiều điểm sáng thông qua hoạt động tái cấu trúc. Tập đoàn Egroup đặt mục tiêu tối ưu hoạt động kinh doanh để ra lợi nhuận. Từ đó, thực hiện được kế hoạch tìm kiếm các quỹ đầu tư lớn, đưa Apax Leaders lên sàn chứng khoán trong tương lai và đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với các nhà đầu tư.

Có thể thấy, Apax English là hệ thống trung tâm Anh ngữ phát triển nhanh tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Thủy có tham vọng đưa doanh nghiệp bứt phá về quy mô nhưng đã gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp quản trị không tốt.

Trong một cuộc trao đổi trực tiếp tại VietNamNet, chính ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận Apax English đã phát triển quá nóng. Từ giữa 2019, ông có kế hoạch giảm chi phí vay, tái cấu trúc từ vay nợ sang gọi vốn và tiếp xúc các quỹ đầu tư và gọi vốn vào 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra và kế hoạch đó cũng bị thay đổi.

Ông Thủy cho biết, khi trên đà chiến thắng, doanh nghiệp đã đi khá nhanh và gặp cú vấp khá lớn vào năm 2019. Đây cũng là khoảng thời gian, Egroup mở thêm nhiều trung tâm Anh ngữ nhất, hoạt động thời gian rất ngắn mà phải đóng cửa. Có khoảng thời gian, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Chi phí lãi vay, chi phí tài chính khiến doanh nghiệp “vô cùng vất vả”.

Trong kinh doanh, ranh giới giữa bứt phá và khủng hoảng là khá mong manh. Rủi ro ngày càng trở lên lớn hơn khi mà thế giới ngày càng bất định. Những biến động địa chính trị, thiên tai địch họa, những thay đổi về chính sách… rất nhanh chóng và có thể khiến nhiều doanh nghiệp từ có triển vọng rất lớn thành phá sản. Thậm chí những tổ chức được xem là “too big to fail” (quá lớn để có thể sụp đổ) cũng vật lộn tìm con đường tránh phá sản chỉ sau một vài quyết định sai lầm.