Ngày 18/6, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức tọa đàm truyền hình với chủ đề “Việt Nam - đất nước nhìn từ biển”.
Đây là sự kiện kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 và 10 năm Luật Biển Việt Nam 2012; góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của công chúng đối với các vấn đề lịch sử, pháp lý về Công ước của Liên hợp quốc về luật biển nói chung và pháp luật biển, đảo Việt Nam nói riêng cũng như tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển, đảo của Tổ quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho biết, Việt Nam đã bỏ phiếu tán thành UNCLOS ngày 30/4/1982 và là nước thứ 63 nộp văn bản phê chuẩn Công ước. Trong quá trình tham gia UNCLOS, Việt Nam luôn thể hiện rõ tinh thần cầu thị và đã nhanh chóng luật hóa Công ước bằng việc ban hành Luật biển Việt Nam năm 2012.
"Chúng ta sẽ đấu tranh bảo vệ cho những điều đúng đắn, nhưng cũng sẵn sàng điều chỉnh nếu thấy chưa phù hợp", ông Trục nhấn mạnh.
Theo nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, từ những hành động này đã giúp Việt Nam thành công trên bàn đàm phán và giải quyết vấn đề trên biển giữa các nước láng giềng. Những kết quả đàm phán, giải quyết phân định đó tạo thành tiền lệ có giá trị cho khu vực và quốc tế.
Còn Đại sứ Nguyễn Hồng Thao khẳng định, UNCLOS ra đời đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế. Đây là một văn kiện được coi như bản Hiến pháp của biển và đại dương.
Việt Nam là nước thực hiện Công ước ngay từ những ngày đầu. Ngay sau khi UNCLOS có hiệu lực vào năm 1994, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết hiệp định phân định biển đầu tiên trong khu vực vào năm 1997. Việt Nam cũng là một trong những nước khởi xướng và chủ trì vận động thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS, nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước có chung mục tiêu.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực áp dụng Công ước, cũng như có những đóng góp vào sự phát triển của luật biển quốc tế bằng thực tiễn của mình. Việt Nam có 11 tranh chấp trên biển và hiện đã giải quyết được 7.
Đại sứ nhấn mạnh: “Đây là tốc độ giải quyết tranh chấp được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là cao nhất trong khu vực. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng Việt Nam đã tiến ra biển một cách vững chắc và thành công”.
GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Unclos 1982 cũng như Luật biển quốc tế, thuộc Đại học New South Wales, Australia cho rằng, điểm đặc trưng duy nhất chỉ có ở công ước, đó là nó đã thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nếu hai bên xảy ra tranh chấp, họ có thể viện dẫn UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Và quan trọng nhất, đây là một thỏa thuận trọn gói.
“Có nghĩa là khi bạn đã ký vào công ước, bạn không thể lựa chọn những phần bạn muốn tham gia. Bạn phải tuân thủ tất cả các quy định. Nếu chúng ta thực sự muốn một trật tự dựa trên luật lệ, thì hãy khiến UNCLOS giống như một trọng tài và khi đưa ra một thẻ đỏ, cầu thủ phải rời khỏi sân”, GS Carl Thayer phân tích.
Các học giả đều nhìn nhận, UNCLOS đã góp phần chấm dứt một thời gian dài các mâu thuẫn, tranh cãi và căng thẳng trên các đại dương và vùng biển. Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều lấy UNCLOS làm trung tâm và không trái với các quy định của công ước.
Trong bốn thập niên qua, các nước trên thế giới, ngay cả chưa phê duyệt UNCLOS đã luôn viện dẫn Công ước này khi giải quyết tranh chấp trên biển. Sự ra đời của UNCLOS đã giúp các quốc gia phân định, quản lý biển hiệu quả hơn, đồng thời cung cấp các cơ chế giải quyết xung đột một cách hiệu quả.
Thu Hằng