Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở lứa tuổi vị thành niên. 

Thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.

Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật.

Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong. Người dân cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất chúng vẫn có.

Ngoài ra trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hoá chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.

thuocla.jpeg
Một học sinh phả khói thuốc lá điện tử vào bạn cùng bàn. Ảnh: VNN

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở trẻ vị thành niên, cần có sự phối hợp giữa trẻ vị thành niên, nhà trường, gia đình:

- Đối với nhà trường: Cần trang bị cho trẻ kỹ năng từ chối; phân tích cho trẻ hiểu rõ tác hại của thuốc lá để trẻ có lập trường vững vàng trước những lời mời gọi của bạn bè; Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học cho trẻ.

- Đối với trẻ vị thành niên: Khi bị lôi kéo hút thuốc, mạnh dạn phản ánh với thầy cô, cha mẹ để có biện pháp xử lý kịp thời; Nên thẳng thắn nói “không” và tỏ rõ lập trường của bản thân khi bị lôi kéo.

- Đối với gia đình: Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe, đồng hành cùng con, nắm bắt tâm lý và những thay đổi của trẻ để động viên kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên hút thuốc lá để làm gương cho trẻ.

"Cần phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm", bác sĩ Loan khuyến cáo.

Theo bác sĩ Loan, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho trẻ.

Minh An