Chứng khoán APEC ngược dòng có lãi
CTCP Chứng khoán APEC (APS) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2023 với khoản lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng, so với mức lỗ 363 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, APS lãi sau thuế 46 tỷ đồng, so với khoản lỗ hơn 304 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Khoản lãi của Chứng khoán APEC trong quý II/2023 từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cao gấp 14 lần so với cùng kỳ (lên 233 tỷ đồng), chủ yếu đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh.
Trong khi, lỗ từ tài sản FVTPL giảm mạnh từ mức 492 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống 209 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng giảm.
Chứng khoán APEC đã bán gần hết lượng cổ phiếu HPG, CEO và BCG nắm giữ trong danh mục tự doanh.
Hồi tháng 6, Chứng khoán APEC đang nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ của Sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX), do lợi nhuận sau thuế năm 2022 tại báo cáo tài chính kiểm toán là số âm.
Các công ty chứng khoán cắt margin với các cổ phiếu thuộc “họ APEC” sau khi có tin khởi tố vụ án thao túng chứng khoán ở nhóm này ngày 23/6. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP Hà Nội) quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại APS, API, IDJ.
Ngày 28/6, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng, trong đó có ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) và Phạm Duy Hưng, Chủ tịch APS.
Đây là những nhân vật liên quan tới vụ án hình sự xảy ra tại 3 doanh nghiệp: CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thường được biết đến là “họ APEC”, liên quan tới hệ sinh thái APEC Group.
Cả 3 doanh nghiệp API, APS và IDJ đều là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và nằm trong hệ sinh thái APEC Group của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng.
Tại Chứng khoán APS, ông Nguyễn Đỗ Lăng nắm giữ 14,3% cổ phần doanh nghiệp này, trong khi APEC Group chiếm 4,6%.
Tại Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API), ông Nguyễn Đỗ Lăng nắm giữ 16,34% cổ phần, Chứng khoán APS nắm giữ 13,1%.
Tại IDJ, APEC Group nắm giữ 9,9%, Chứng khoán APS là 9,47%, APEC Holding nắm giữ 2,83%; Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương là 1,43% và ông Nguyễn Đỗ Lăng nắm giữ 1,3%. Chủ tịch APS Phạm Duy Hưng nắm giữ 0,92% cổ phần IDJ.
Bà Huỳnh Thị Mai Dung (1975) là vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng bị khởi tố cùng chồng. Bà Dung sở hữu 2,02% cổ phần APS, hơn 8% cổ phần API...
Chứng khoán Trí Việt giảm nhân sự, chi phí
Theo Báo cáo tài chính quý II/2023, Chứng khoán Trí Việt (TVB) ghi nhận doanh thu giảm gần 46% so với cùng kỳ xuống còn 17,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí giảm mạnh gần 95% xuống còn 660 triệu đồng.
Trong quý II, Trí Việt báo lãi gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, lên 6,5 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, công ty lãi sau thuế 7,6 tỷ đồng, giảm 81%.
Theo giải trình, doanh thu giảm là do giảm từ hoạt động dịch cho vay margin và môi giới. Trong khi đó, chi phí giảm là do công ty đã giảm quy mô hoạt động, tinh gọn đội ngũ nhân sự và quản trị tốt chi phí. Mức giảm của doanh thu thấp hơn so với mức giảm của chi phí dẫn tới lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Báo cáo cũng cho thấy, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 5,5 tỷ đồng, gấp 8,5 lần con số năm ngoái, chủ yếu do chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh.
Hồi cuối năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Trí Việt - TVSC (TVB), về tội thao túng thị trường chứng khoán, căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt ngày 20/4.
Hồi tháng 4/2022, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), ông Đỗ Đức Nam (TGĐ Chứng khoán Trí Việt)… Các bị can đã dùng chiêu để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác.
Trong năm 2021, khi thị trường sôi sục và tăng trưởng mạnh, hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ, tốt xấu đều tăng giá mạnh. Nhiều cổ phiếu tăng vọt một vài chục lần, dù doanh nghiệp làm ăn bết bát. Nhóm cổ phiếu “họ Louis” nằm trong số đó, với hàng loạt mã tăng trần kéo dài và dồn dập các room “phím hàng”.
Chứng khoán BOS: Huỷ niêm yết từ 11/8
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thông tin về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS. Theo đó, Ngày 11/8 là ngày hủy niêm yết hơn 96,9 triệu cổ phiếu ART.
Nguyên nhân, theo HNX, là do Chứng khoán BOS đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Trước đó tháng 10/2022, HNX đã có quyết định về việc chuyển cổ phiếu ART sang diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 12/10 do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong văn bản giải trình, Chứng khoán BOS cho biết, công ty đã hoàn thiện dự thảo báo cáo tài chính bán niên và đã rất cố gắng tìm đơn vị đơn vị kiểm toán đơn vị kiểm toán báo cáo. Tuy nhiên chưa có đơn vị kiểm toán nào chấp nhận. Vì thế, công ty chưa thể phát hành báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét theo đúng thời hạn quy định.
Chứng khoán BOS tiền thân là Công ty Chứng khoán Artex được thành lập năm 2008.
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn FLC cùng các đồng phạm bị bắt tạm giam, vì có liên quan đến thao túng giá chứng khoán thì các cổ phiếu trong hệ sinh thái “họ FLC”, gồm FLC, GAB, ROS, BOS, AMD, HAI, KLF… lao đao.
Phần lớn các cổ phiếu “họ FLC” đã bị hủy niêm yết (AMD, GAB, FLC, ROS, HAI) và đình chỉ hoặc chế giao dịch (KLF).