Sau hơn 20 ngày xét xử, phiên sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Alibaba đã khép lại với mức án tương xứng cho từng hành vi của các bị cáo.
Vào thời điểm VKSND TP.HCM ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm, chỉ có 3.986 bị hại có đơn tố cáo hành vi lừa đảo của các bị cáo với cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, trước, trong quá trình xét xử, thêm hơn 500 người đã tới tòa nộp đơn tố cáo Nguyễn Thái Luyện, nâng tổng số bị hại lên 4.550 người. Ngoài ra, còn có hàng trăm người khác nộp đơn khi đã quá thời hạn tiếp nhận đơn của tòa nên không được xác nhận là bị hại trong vụ án.
Quá trình xét xử, nhiều bị hại cho rằng các dự án của Công ty Alibaba là hợp pháp và họ kiên quyết chỉ nhận lại đất, không nhận lại tiền. Thậm chí, có 2 bị hại bất ngờ rút lại đơn tố cáo, họ khẳng định Nguyễn Thái Luyện không lừa đảo.
Tại CQĐT và tại phiên tòa, Nguyễn Thái Luyện vẫn một mực cho rằng mình không lừa đảo. Bị cáo Luyện trình bày mọi hoạt động của công ty, quá trình quảng cáo, bán hàng, dẫn khách hàng đi xem dự án đều được diễn ra công khai, minh bạch.
“Tôi không lừa đảo. Từ khi khởi nghiệp kinh doanh, mục đích chính của tôi là mong muốn giới thiệu cho khách hàng những lô đất vùng ven giá rẻ, giúp khách hàng giàu lên”, Luyện nói.
Ngoài ra, Luyện còn thao thao rằng mục tiêu của anh ta là sẽ đưa Công ty Alibaba vươn lên thành công ty hàng đầu ở Đông Nam Á và “không chạm được vào vì sao thì cũng phải chạm tới bầu trời”.
Trong khi đó, 2 em trai và vợ cùng các nhân viên cấp dưới của Luyện đều thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng bản thân không hiểu biết pháp luật, quá tin tưởng vào Nguyễn Thái Luyện nên mới phạm tội.
Trong số hơn 4.550 bị hại mua đất của Công ty Alibaba, đa phần là những người có điều kiện kinh tế thấp. Nghe những lời dụ dỗ giá đất rẻ, được trả tiền lãi hàng tháng, được Công ty Alibaba thu mua lại với giá cao, họ liền về thế chấp nhà cửa, vay mượn người thân, thậm chí đi vay lãi ngày để mua hàng chục thửa đất ở các dự án "ma".
Khi sự việc vỡ lở, những nạn nhân này rơi vào tình trạng trắng tay, nợ nần chồng chất, gia đình tan nát. Như trường hợp anh D. (ở quận Bình Tân, TP.HCM), trước khi chết chỉ kịp trăn trối nhờ cha ráng theo đuổi tới cùng để lấy lại tiền, lo cho các con dùm anh.
Nhiều nạn nhân do thiếu hiểu biết, không nắm được thông tin về việc tòa dừng tiếp nhận đơn tố cáo nên kéo tới tòa nộp đơn. Khi bị từ chối, họ thất thần, bật khóc trong vô vọng.
Kết thúc phiên tòa, trong số hàng trăm người đề nghị được nhận lại đất đã mua, chỉ có 58 người có đủ điều kiện và được tòa chấp thuận.
Theo đó, HĐXX nhận thấy, nguồn gốc tài sản, các quyền sử dụng đất trên đều từ tiền chiếm đoạt của các bị hại.
Tuy nhiên, tại thời điểm thỏa thuận, ký kết hợp đồng, các thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện ngay tình, đã thanh toán từ 50-100%. Vì vậy, HĐXX công nhận thoả thuận chuyển nhượng nói trên, trả lại đất cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường thiệt hại cho hơn 4.500 bị hại còn lại.
Phiên tòa kết thúc, Nguyễn Thái Luyện bị tuyên phạt tù chung thân, vợ anh ta là Võ Thị Thanh Mai cũng phải lãnh 30 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Nguyễn Thái Lực năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 10 năm tù tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là 27 năm tù.
Các nhân viên cấp dưới của Luyện cũng phải lãnh từ 10-19 năm tù.