Ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi
Tại Hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài hồi tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.
Sau lời “hiệu triệu” của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành CNTT Việt có một năm thành công với hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.
Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ TT&TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%.
Trong số các doanh nghiệp CNTT thành công tại thị trường nước ngoài, FPT là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những tháng cuối năm 2023 khi cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm. Con số này đã đưa FPT gia nhập nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD, khẳng định năng lực triển khai các dự án quy mô hàng trăm triệu USD cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu.
Tăng trưởng gấp đôi trong vòng 3 năm, doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài của FPT đến chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến thời điểm hiện tại, các thị trường này đều tăng trưởng trên 30%. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
Đại diện FPT cho biết, những năm gần đây, dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, với 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số và tăng gấp gần 6 lần trong vòng 5 năm qua. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...
Để thành công tại thị trường quốc tế, FPT đã thực hiện nhiều bước đi quan trọng như: Hợp tác với các đối tác lớn trong nhiều lĩnh vực; Nâng cao năng lực công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành (domain); Nâng cao nguồn lực con người, công nghệ làm sức mạnh cạnh tranh cốt lõi.
Khát vọng hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, nói rằng 1 tỷ USD không chỉ là con số mà là cuộc đời, tuổi thanh xuân của những người FPT. FPT đã làm rất nhiều việc để đưa trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, ghi tên bản đồ Việt Nam trên bản đồ số thế giới.
“35 năm trước, chúng tôi đã nói tâm nguyện của mình góp phần làm hưng thịnh quốc gia bằng khoa học công nghệ. Ngày ấy, chúng tôi không biết phần mềm là gì, nhưng ý tưởng đi lên bằng công nghệ giúp đời sống nhân dân và đất nước tốt đẹp hơn từ ngày đó đến ngày hôm nay vẫn không thay đổi. Ban đầu, chúng tôi chỉ cố gắng phải sống, phải nuôi nhau được đã. 10 năm sau, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến phải làm sao có căn cứ địa công nghệ để phát triển và đó chính là Hòa Lạc. Ngày đó, chúng tôi cũng không biết Hòa Lạc là gì và dành thời gian tìm mảnh đất cho khu công nghệ cao. Khi có khu công nghệ cao mới nảy sinh ý tưởng làm gì ở khu này. Lúc đó, Ấn Độ cho chúng tôi bài học. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ Ấn Độ làm thế nào và tôi tin rằng chúng tôi làm được. Nhưng chúng tôi đã thất bại, thất bại và thất bại. Bước ngoặt với chúng tôi là gặp một lãnh đạo của Sumitomo và đã mở hướng cho FPT đi sang thị trường Nhật”, ông Trương Gia Bình nói.
Chia sẻ tiếp về câu chuyện này, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Fsoft cho biết: Mốc 1 tỷ USD rất nhiều cảm xúc, nhưng nó không cảm xúc bằng khi đạt 1 triệu USD từ xuất khẩu phần mềm, bởi đó là mốc sinh tử của FPT.
“Tôi là người đi đầu tiên, sau khi thất bại lần đầu phải quay về. Lúc đó, trong nội bộ chúng tôi có nhiều ý kiến. Sau 3 năm, đạt mốc 1 triệu USD, chúng tôi có niềm tin bước tiếp. Chúng tôi chững lại ở con số 100 triệu USD. Nhưng khi động đất sóng thần, chúng tôi sát cánh cùng đối tác Nhật với câu nói: Chỉ khi người Nhật rời Nhật Bản chúng tôi mới quay về Việt Nam. Sau đó, chúng tôi lại đạt con số tăng trưởng mạnh mẽ. Sau khi đạt 500 triệu USD, chúng tôi đã biết 1 tỷ USD là trong khả năng. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ”, ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ.
Trong hành trình đem trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, nhiều người đặt câu hỏi đâu là sức mạnh để FPT có thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Bản thân một lãnh đạo của Sumitomo sau khi nghỉ hưu đầu quân cho FPT đã từng bỏ ra 8 tháng để tìm bí kíp mà FPT có thể cạnh tranh với các đối thủ, nhưng không tìm ra. Tuy vậy, vị lãnh đạo ấy nhận thấy rằng FPT có tinh thần máu lửa khát vọng, lan tỏa từ lãnh đạo đến từng nhân viên bán hàng, và đây có thể là bí kíp của FPT mà khó có thể sao chép cho các công ty khác được.
Chủ tịch Fsoft cho hay, hiện FPT đã có hợp đồng trăm triệu USD và đang săn tìm hợp đồng tỷ USD. FPT đang hướng đến 1 công ty toàn cầu và phải có hợp đồng tỷ USD, doanh thu tỷ USD từ 1 thị trường và lợi nhuận tỷ USD.
Vượt qua cột mốc 1 tỷ USD, FPT nuôi tham vọng lớn hơn bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD, với cột mốc tiếp theo 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030, đạt quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ USD từ một thị trường, một ngành và một hợp đồng duy nhất.
Cùng với FPT, Viettel thành công ở nhiều nước từ Châu Á, châu Phi đến Mỹ La tinh. Tập đoàn Viettel đã làm được thiết bị mạng 5G, vũ khí công nghệ cao. Nhiều công ty CNTT quy mô vừa và nhỏ song ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, SmartOCS, RikkeiSoft, OMI, VMO... MOR Software, Savvycom tăng trưởng gấp 2 lần, CMC Global tăng trưởng 70% ở thị trường thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế và cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam. Như vậy, những doanh nghiệp CNTT Việt đã và đang thực hiện sứ mệnh giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.