Sự “giác ngộ” công nghệ của ông Trương Gia Bình

Chia sẻ tại Diễn đàn FPT Techday chiều 24/10, Chủ tịch Trương Gia Bình cho hay, 2 năm đại Covid-19 đã làm thay đổi suy nghĩ của doanh nghiệp này. 

Hóa ra công nghệ không chỉ góp phần hưng thịnh quốc gia mà còn cứu được con người. Những chatbot của chúng tôi đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi để xem người bệnh ở nhà có nguy hiểm không? Nếu có thì kết nối tới tổ chức y tế để cứu giúp họ”, ông Bình nói.

Bằng việc FPT cùng chính quyền Quận 7 (TP.HCM) triển khai trung tâm điều hành dữ liệu thông minh, Quận 7 sau đó đã mở cửa thí điểm, khôi phục kinh tế với mức thu ngân sách tháng 10/2021 đạt 470 tỷ đồng, bằng cả quý 3 năm 2021.

Theo Chủ tịch FPT, thông qua 2 câu chuyện trên, ông đã “giác ngộ” về việc CNTT có thể tác động đến tính mạng con người, sinh kế dân sinh như thế nào. 

W-fpt-techday-truong-gia-binh-1.jpg
Chủ tịch FPT nói về sự "giác ngộ" của ông với công nghệ. 

Chia sẻ về tương lai, ông Trương Gia Bình hy vọng một ngày nào đó tất cả trẻ em Việt Nam đều sẽ được học về trí tuệ nhân tạo. “Không có hiểu biết về AI chúng ta có thể mất việc làm, người hiểu AI mới có thể đổi mới sáng tạo và góp phần thay đổi thế giới”, Chủ tịch FPT nhận định.

Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam có thể đi sau và về trước trong chuyển đổi số bởi không có quốc gia nào làm được việc tạo ra hơn 100 triệu ID số cho người dân cả nước chỉ trong thời gian ngắn như Việt Nam. Chính tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng như thế sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới. 

Trong thời đại chuyển đổi số, người dân Việt Nam có thể không cần mang theo giấy tờ khi đến làm việc với các cấp chính quyền, trẻ em Việt Nam được giao bài tập về nhà bằng AI, các em cũng sẽ thực hiện các bài thi theo phương thức trực tuyến. 

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù đã có dữ liệu trong tay nhưng vẫn chưa tự động hóa được quy trình sản xuất. Các giải pháp tự động hóa của FPT sẽ có thể giúp họ giải quyết câu chuyện này. 

Thông qua những câu chuyện trên, Chủ tịch FPT muốn đưa ra thông điệp rằng: “Chúng tôi có khát vọng đưa Việt Nam ra thế giới, ghi tên trên bản đồ số thế giới”.

Mọi doanh nghiệp trong tương lai đều phải là doanh nghiệp công nghệ

Đây là nhận định của ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud. Theo ông Việt, các doanh nghiệp đều dần sẽ trở thành công ty công nghệ bởi cơ cấu dân số đang thay đổi. Lớp người dùng mới là những người sinh ra trong thời đại smartphone, thích nhắn tin hơn nói chuyện. Họ thường xuyên sử dụng dịch vụ 24/7 và có mong muốn được giải đáp ngay lập tức mỗi khi có việc cần hỏi tới doanh nghiệp trên mạng xã hội.

Trên thực tế, việc chăm sóc khách hàng theo cách truyền thống qua email, điện thoại hay trò chuyện trực tiếp như trước đây sẽ không thể giải quyết bài toán đó. Đây là lý do các doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong việc chăm sóc khách hàng. 

W-fpt-techday-le-hong-viet-1.jpg
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud.

Tự động hóa là thực hiện những gì con người, máy móc cùng nhau tạo ra được. AI hiện có thể hỗ trợ 80% việc chăm sóc khách hàng. Chúng ta cũng có thể chuyển đổi mô hình chăm sóc khách hàng sang bộ phận kinh doanh, để AI tham gia vào việc đề xuất các mặt hàng mới và tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng.  

Giờ đây nhân viên không chỉ là con người mà còn bao gồm cả máy. Chúng ta cần tạo ra môi trường con người và máy làm việc hài hòa, thông suốt”, ông Lê Hồng Việt chia sẻ. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - CIO ngân hàng Techcombank, trong thời đại hiện nay, các doanh nghiệp bắt buộc phải biết ứng dụng công nghệ. Nhờ áp dụng các công nghệ mới, Techcombank đã có những con số ấn tượng về lượng khách hàng. Mặc dù vậy, trải nghiệm người dùng vẫn được đảm bảo nhờ việc giảm thời gian giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán như tạo ra QR Code cá nhân cho doanh nghiệp. Nhờ công nghệ, các quy trình phê duyệt để đưa đến quyết định cũng được tối ưu trong chỉ 1-2 phút.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ vào ngành sản xuất gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho hay: “CNTT giúp chúng tôi quản lý dữ liệu, hệ thống thông tin bên trong bên ngoài thông suốt, nắm bắt thông tin khách hàng nhanh chóng và quản lý quy trình chặt chẽ”.

Nói về tương lai của việc tích hợp CNTT vào sản phẩm nội thất, theo Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, công nghệ có thể tạo linh hồn, câu chuyện cho sản phẩm. Trên thế giới có những sản phẩm bàn, ghế có gắn chip bên trong. Đó cũng có thể là gợi mở mới cho ngành gỗ mỹ nghệ Việt Nam. 

Võ Thu và nhóm PV, BTV