Dân Sóc Sơn chặn xe rác nhiều ngày, Hà Nội chỉ đạo khẩn
Hà Nội đã tổ chức cuộc họp thống nhất mức đền bù cho các hộ dân chịu ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn, chấm dứt tình trạng chặn xe rác nhiều ngày nay.
Ngày 26/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại đây, cử tri Cù Hồng Dân (xã Nam Sơn) cho biết, hiện nay khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đang tiếp nhận, xử lý rác cho toàn thành phố. Việc này được người dân đồng tình ủng hộ, chia sẻ nhiệm vụ cho lãnh đạo địa phương.
Tuy nhiên, theo cử tri xã Nam Sơn, thời điểm hiện nay còn một số khó khăn liên quan đến môi trường và chính sách giải phóng mặt bằng dự án di dời dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác.
Cử tri Cù Hồng Dân đề nghị TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo xử lý nước rỉ rác, có biện pháp che chắn nhằm tránh phát sinh ô nhiễm môi trường, ruồi, muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Cùng vấn đề trên, cử tri Nguyễn Thị Xuân (xã Bắc Sơn) nêu việc đã có nhà máy đốt rác và kiến nghị thành phố không mở rộng khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 3.
Giải đáp kiến nghị của cử tri, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đã đầu tư xong giai đoạn 1, giai đoạn 2 còn một phần cần giải phóng mặt bằng để đầu tư.
Riêng giai đoạn 3 sẽ khoanh vùng bán kính 500m để đảm bảo cuộc sống người dân. Bán kính này sẽ được trồng cây xanh, ngăn ô nhiễm. Một phần diện tích nhỏ còn lại sẽ đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại.
Với một số chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, huyện Sóc Sơn đã có báo cáo và sở đã hướng dẫn huyện thực hiện với từng hộ. Sở TN&MT đang trình thành phố để xem xét thông qua.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri. Trong đó nhiều vấn đề đang được thành phố quan tâm giải quyết, nhưng có những việc "không thể làm trong ngày một ngày hai".
Ông Thanh đề nghị huyện Sóc Sơn rà soát các đối tượng trong vùng ảnh hưởng của bãi rác để tránh sót người được hưởng chính sách đặc thù, kể cả còn một hộ gia đình cũng phải được giải quyết.
Trước kiến nghị không mở rộng đầu tư giai đoạn 3 đối với dự án mở rộng khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, việc này thuộc thẩm quyền Thủ tướng xem xét phê duyệt. Thành phố sẽ có ý kiến về nội dung này nhưng tinh thần chung là đã "đủ công suất rồi thì thôi”.
Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành Nhà máy điện rác Thiên Ý ở huyện Sóc Sơn và Nhà máy điện rác Seraphin ở thị xã Sơn Tây. Sau khi 2 nhà máy này đi vào vận hành, tổng công suất xử lý rác thải sẽ đạt 6.500 m3/ngày đêm, do đó thành phố không cần phải chôn lấp rác thải nữa.
Theo ông Thanh, một vài nhà đầu tư còn quan tâm đến việc móc toàn bộ rác cũ được chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn lên để đốt. Tuy nhiên, dù nhà đầu tư đã sẵn sàng nhưng vì chưa có định mức, căn cứ để xây dựng cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà thầu nên thành phố chưa thực hiện được.
"Tôi mong muốn Giám đốc Sở TN&MT sớm xây dựng một nhà máy xử lý toàn bộ rác đã chôn lấp trước đây. Từ đó, bãi rác sẽ thành công viên công cộng để bà con được hưởng lợi, chứ không phải chịu hậu quả nữa. Tinh thần là như vậy, khó mấy chúng ta cũng phải làm”, ông Thanh cho hay.
Về vấn đề nước rỉ rác, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố rất quan tâm, lo lắng. Do vậy, ông yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn cùng Sở TN&MT cần đề xuất thêm phương án như tăng công suất xử lý nước rỉ rác cho bãi rác Nam Sơn.
Hà Nội đã tổ chức cuộc họp thống nhất mức đền bù cho các hộ dân chịu ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn, chấm dứt tình trạng chặn xe rác nhiều ngày nay.
Hàng chục người dân đội mưa thay phiên nhau quyết không cho xe rác vào khu xử lý rác Nam Sơn.
Cho rằng bãi rác gây ô nhiễm, người dân ở Đức Thọ, Hà Tĩnh ra chặn xe chở rác vào thì bị một nhóm người bịt mặt, xăm trổ đuổi đánh.