Sáng 30/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, bà Lưu Thị Hồng Sen - Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn trình bày hai vấn đề bất cập liên quan đến quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ và cơ chế tự chủ của đơn vị y tế tuyến cơ sở.
Cụ thể, bà Sen đề nghị Bộ Y tế, TP Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét thay đổi quy định về thời gian cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ. Theo bà Sen, bác sĩ tuyến xã chỉ được cấp giấy phép hành nghề theo đúng với chuyên khoa, không phù hợp với công tác tại y tế tuyến xã.
Theo bà Sen, nếu bác sĩ tuyến cơ sở phải mất thời gian lên đến vài năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề là không phù hợp. “Cơ quan chức năng cần đề xuất cho bác sĩ ở trạm y tế được phụ trách chuyên môn sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, không cần thời gian 54 tháng như hiện tại”, bà Sen nói.
Bà Sen cũng nêu một số bất cập liên quan đến cơ chế tự chủ của đơn vị y tế tuyến cơ sở. Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn đề xuất, có cơ chế được liên doanh, liên kết về máy móc, trang thiết bị để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, bởi nếu chỉ dùng trang thiết bị của đơn vị thì không đủ đảm bảo cơ chế tự chủ.
Trao đổi với cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, ý kiến của bà Lưu Thị Hồng Sen là rất đúng. Theo ông Trí, không chỉ Hà Nội, mà ngành y tế cả nước đều kiến nghị, đề xuất cần có giải pháp cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Anh Trí nêu thực tế, thời gian học bác sĩ đa khoa đã mất 6 năm, sau đó phải học thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề, còn muốn làm chuyên khoa phải học thêm 36 tháng nữa.
“Thi vào đại học y khó như thế, học lâu như thế, muốn hành nghề lại phải mất thêm 18 tháng nữa. Các bác nói có đau đớn không? Tôi dùng từ đau đớn là có ý đấy, chứ không phải văn hoa đâu!”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói và đề nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn cho vấn đề này.
Từng làm lãnh đạo trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng chia sẻ với những khó khăn mà bà Lưu Thị Hồng Sen nêu ra trong vấn đề tự chủ tại các bệnh viện. Theo ông Trí, với cơ chế như hiện nay, các bệnh viện chắc chắn sẽ không tự chủ được.
“Khi đi tiếp xúc cử tri khắp trong Nam, ngoài Bắc, người ta đều nói đến điều kỳ lạ rằng, giao cho chúng tôi làm tự chủ, nhưng không cho chúng tôi quyền tự chủ. Không giao cho chúng tôi quyền làm cái gì, được phép làm cái gì và thu như thế nào cũng không rõ ràng. Cho nên ai khôn thì người đấy không làm. Người nào làm thì sớm muộn cũng sẽ bị bắt”, ông Trí nói.
Nhìn sang bàn Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cử tri, đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định mình không hề nói quá. Do vậy, theo ông Trí, những vướng mắc trong việc tự chủ tại các bệnh viện phải sớm được sửa chữa cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý các sở ngành và huyện Sóc Sơn phải ghi nhận, đeo bám, giải quyết những vấn đề được cử tri nêu ra. Đặc biệt, ông Trần Sỹ Thanh, yêu cầu đơn vị liên quan tập trung giải quyết những vấn đề ô nhiễm bãi rác Nam Sơn.
Ông lưu ý lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề thời gian trôi qua rất nhanh. Do vậy, ông đề nghị cán bộ thành phố làm việc chung phải sốt sắng như làm việc nhà mình.
Trước lo ngại của đại biểu Nguyễn Anh Trí về việc ‘làm sẽ bị đi tù’ khi cơ chế tự chủ ngành y chưa rõ ràng, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cán bộ Hà Nội khó vẫn phải làm, quyết tâm làm và làm phải trong sạch!.
“Đảng và Nhà nước chưa bắt ai trong sạch. Cơ bản là không oan, đều có ting ting cả. Vừa rồi Covid-19 'ting ting' nhiều lắm. Chúng ta cứ làm trong sáng thì không vấn đề gì cả. Còn chúng ta làm mà có quá tay một tí thì bị 'thổi còi’, xử lý hành chính thôi… Giờ cứ sợ co lại hết thì ai làm!”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói thêm.